I. Giới thiệu

Thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ là thị trấn ven biển, với diện tích tự nhiên 1.566,97 ha, chiều dài bờ biển khoảng 7,8 km (từ khu vực Mộ Ông - khu phố Lộc An đến Mũi Kỳ Vân - khu phố Hải Sơn). Về phương diện hành chánh, thị trấn Phước Hải có 10 khu phố, 146 tổ dân cư có 5.273 hộ gồm 24.197 khẩu. Sinh kế chủ yếu của người dân là khai thác hải sản với tổng số phương tiện khai thác hiện nay gồm 690 phương tiện lớn nhỏ (Phòng thống kê, Phước Hải).

Những năm gần đây sản lượng khai thác hải sản sụt giảm, cũng như những vùng ven biển khác, do khai thác quá mức, ngư dân sử dụng cả trái nổ mang tính hủy diệt đã ảnh hưởng đến cạn kiệt nguồn tài nguyên, môi trường sinh thái, nơi cư ngụ và phát triển của nhiều loài hải sản. Những tác động này đã làm cho nguồn lợi thủy sản tại vùng biển Phước Hải và các vùng lân cận ngày càng cạn kiệt, tác động ngược trở lại làm đời sống dân cư khó khăn và sinh kế sẽ không bền vững. Để nghề khai thác hải sản từng bước được phục hồi phát triển bền vững, đem lại hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân cần phải tìm phương cách quản lý tài nguyên phù hợp. Mô hình “Đồng quản lý” tài nguyên ven biển được giới thiệu và thực hiện thí điểm tại Phước Hải. Mục tiêu của bài viết này nhằm hướng đến cách quản lý hiệu quả nguồn tài nguyên ven biển cho thị trấn Phước Hải tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nhằm đạt tính bền vững cho sinh kế ngư dân quy mô nhỏ.

II. Tổng quan tài liệu

Đánh bắt cạn kiệt: Áp lực lên nguồn lực ven biển

Thông tin  sơ bộ về tình trạng đánh bắt cạn kiệt và đôi khi hủy diệt nguồn lực bằng chất nỗ của ngư dân quy mô nhỏ ở Phước Hải cũng tương tự như những vùng ven biển khác vùng Nam và Đông Nam Á mà  Bailey (1994) đã nghiên cứu. Theo ông đây thường là nhóm hộ nghèo nhất của cộng đồng đã dùng lưới có mắt lưới kích thước nhỏ, ngay cả việc sử dụng chất độc và thuốc nổ trong vùng rạn san hô đã ảnh hưởng nghiêm trọng lên môi trường biển và làm cạn kiệt nguồn tài nguyên biển.

Mâu thuẫn trong quản lý tài nguyên ven biển

Quản lý tài nguyên ven biển thường là công việc của chính phủ, điều này đôi khi gây mâu thuẫn giữa chính quyền địa phương và ngư dân, thành phần trực tiếp sử dụng tài nguyên cho sinh kế chính của họ. Viswanathan (1994) cho thấy sự thiếu thông hiểu giữa người ra quyết định (chính quyền) và ngư dân đã dẫn đến xung đột tại nhiều địa phương. Tác giả đề xuất quản lý tài nguyên ven biển cần  có sự tham gia hay đồng quản lý giữa chính quyền và cộng đồng sẽ giúp ngư dân đánh bắt quy mô nhỏ hiểu rõ quyền lợi và trách nhiệm của họ trong khai thác tài nguyên biển theo hướng bền vững. Theo Berkers (1991) và Pomeroy và William (1994) trở ngại chính trong đồng quản lý là hệ thống quản lý tập trung hóa.

Quản lý tài nguyên ven biển bền vững

Quản lý tài nguyên dựa trên cộng đồng là một trong những hình thức của đồng quản lý. Các bên có liên quan có thể là thành viên của cộng đồng hoặc vùng địa lý rộng hơn hay theo nghĩa rộng là ‘cộng đồng quan tâm’ (Jentoft và McCay, 1995).

Tương tự, những nghiên cứu của Jentoft (1989); Pinkerton (1989); Berkers (1991) đều cho rằng đồng quản lý là chia sẽ quyền hạn và trách nhiệm giữa nhà nước và các bên liên quan. Việc ra quyết định được phân quyền cho những nhóm có liên quan như người khai thác, nhà tư vấn, nhà tài trợ…nói một cách khác là các bên liên quan đồng ra quyết định cùng nhà nước. Phương pháp quản lý này cũng là biện pháp ứng phó với sự không chắc chắn và phức tạp trong hiện tại và tương lai (Tompkins và Adger, 2004; Bekers, 2008).

Quản lý tổng hợp tài nguyên ven biển

Tại Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã công bố một số chương trình nhằm nâng cao công tác quản lý, bảo vệ, sử dụng và khai thác tài nguyên nhằm phát triển bền vững. Một trong số đó là chương trình quản lý tổng hợp cho các tỉnh từ Bắc Trung bộ đến duyên hải miền Trung đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 (Thủ tướng phê duyệt, 2007). Chương trình có mục đích tạo khung pháp lý, chính sách, cơ sở kỹ thuật để thực hiện quản lý tổng hợp cho các tỉnh/thành phố trong vùng.

Thực hiện đánh giá chung về mô hình đồng quản lý nghề cá tại Việt Nam, viện Kinh tế và Qui hoạch Thủy sản đã khảo sát 38 mô hình trên cả nước cho thấy bên cạnh những thành tựu đạt được thì mô hình tồn tại nhiều điểm bất hợp lý như thiếu sự phối hợp của các bên liên quan, chưa có khung pháp lý đủ mạnh, cách quản lý vẫn theo kiểu chuyên quyền (từ trên xuống), nhiều mô hình không thể duy trì khi dự án kết thúc (Lê Trần Nguyên Hùng, 2009)

Ngoài ra, Ngân hàng Thế giới (2013) hỗ trợ 100 triệu USD cho chính phủ Việt Nam trong dự án “Quản lý tài nguyên ven biển vì sự phát triển bền vững”. Dự án thực hiện từ 2012 đến đầu năm 2018 tại 8 tỉnh/thành (Cà Mau, Sóc Trăng, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Hà Tỉnh, Nghệ An, Thanh Hóa), trong đó mô hình đồng quản lý nghề cá ven biển là một trong những chương trình hành động của dự án.

III. Dữ liệu và Phương pháp luận nghiên cứu

Đây là một nghiên cứu hành động (Participatory Action Research, PAR) của nhóm nghiên cứu và tham gia của cộng đồng dân cư địa phương từ việc phát hiện các vấn đề bất ổn trong  quản lý tài nguyên ven biển ở Phước Hải đến việc tìm ra và thực hiện phương cách giải quyết để giảm thiểu tác hại của vấn đề trên

Dữ liệu định tính. Nghiên cứu đã vận dụng một số công cụ đồng tham gia để khai thác thông tin định tính từ cộng đồng. Cây vấn đề (Problem tree) và cây mục tiêu (Objective tree) để phát hiện vấn đề cộng đồng đang đối mặt về quàn lý tài nguyên và mục tiêu họ muốn đạt. Ma trận SWOT, giản đồ Venn và các buổi thảo luận nhóm chủ yếu để đánh giá tiềm năng của cộng đồng và ngoại lực tác động cũng như phân tích vai trò của các tổ chức tại đia phương có tầm ảnh hưởng ra sao đối với cộng đồng nhằm xây dựng mô hình đồng quản lý có tham gia của các tổ chức địa phương.

Dữ liệu định lượng 

Hướng tiếp cận “Khung Sinh kế bền vững” của Bộ Phát triển Quốc tế Anh (DFID) giới thiệu từ năm 1999 được vận dụng để khảo sát và thu thập thông tin về hiện trạng sinh kế của người dân tại cộng đồng địa phương. Điểm chính yếu của khung sinh kế bền vững là 5 nguồn lực của hộ gồm nhân lực (Human Capital), tài lực (Financial capital), vật lực (Physiccal capital), nguồn lực tự nhiên (Natural capital ) và nguồn lực có từ mối quan hệ xã hội (Social capital) do hai yếu tố dễ tổn thương (Vulnerabilty: thiên tai, biến động theo mùa…) và  các định chế, chính sách, luật lệ của quốc gia, vùng, địa phương  tác động đến chiến lược tạo sinh kế của người dân (Hình 1). Nghiên cứu đã khảo sát 149 hộ ngư dân phân bố cho cả 10 khu phố của thị trấn Phước Hải dựa theo khung sinh kế bền vững để đánh giá đời sống người dân.

Nguồn: Bộ phát triển quốc tế Anh quốc ( DFID)

Hình 1: Khung Sinh Kế Bền Vững, DFID

Hướng phân tích

Dữ liệu định tính được phân tích dựa trên một số công cụ đánh giá có sự tham gia của cộng đồng. Dữ liệu định lượng được phân tích theo phương pháp thống kê mô tả, giản đồ Lorenz và Hệ số Gini được dùng để phân tích phân phối thu nhập bất đồng đẳng và phân phối đầu tư tài sản đánh bắt hải sản.

IV. Kết quả nghiên cứu.

Để có thể hiểu được tổng quát tình trạng vùng dự án, các công cụ thảo luận nhóm  được tổ chức theo từng thành phần quan tâm.              

Qua các buổi thảo luận, lãnh đạo sở Nông nghiệp Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) cấp tỉnh và các phòng ban chức năng cấp huyện, thị trấn và cộng đồng dân cư ở các khu phố về khó khăn trong công tác quản lý tài nguyên mà họ đang đối mặt.

Bước đầu tham dự hội thảo, đại diện các bên liên quan đã tiếp cận được các vấn đề tồn tại ở Phước Hải một cách hệ thống và đã tham gia thảo luận tìm giải pháp. Một điều quan trọng là các thành viên đã bắt đầu nhìn nhận các giải pháp phát triển Phước Hải một cách tổng hợp và chia sẻ lợi ích giữa các bên liên quan tích cực hơn.

Thường ngày, ngư dân rời bến khoảng 3- 4 giờ sáng, trở lại bến với hải sản đánh bắt được vào khoảng 7-8 giờ sáng cùng ngày, bốc tách hải sản khỏi lưới, phụ nữ trong gia đình đem ra chợ bán hay giao cho người thu gom. Buổi chiều từ 2-4 giờ, đó là lúc mà ngư dân nghỉ ngơi, họ thường tập trung tại các quán nước để trao đổi thông tin cùng bạn thuyền và nhóm nghiên cứu thu thập thông tin với họ tại những quán cà phê sát bờ biển.

Cộng đồng ngư dân (nhóm trực tiếp khai thác tài nguyên) vì chưa được tham gia trong công tác quản lý tài nguyên nên trước những việc đánh bắt cạn kiệt, dùng thuốc nổ hủy diệt nguồn lực, ghe/thuyền nơi khác dùng lưới cào đánh bắt trong vùng-6 hải lý ven bờ Phước Hải làm ảnh hưởng đến nguồn lợi và tài sản đánh bắt của họ thì họ không thể can thiệp. Trong khi đó các tổ chức quản lý vùng biển địa phương như Kiểm ngư, đội Biên phòng … do thiếu phương tiện và mỗi lần tuần tra phải theo hệ thống nhà nước, kết hợp nhiều cơ quan, ban ngành nên khi nhận được thông tin và điều tàu ra đến nơi thì tàu thuyền vi phạm đã không còn để lại dấu vết.

Tuy vậy, chính cộng đồng ngư dân cũng tự nhận thấy do chưa được tổ chức, thiếu đoàn kết, thiếu hợp tác với nhau cũng như thiếu kiến thức quản lý để bảo vệ tài nguyên tạo sinh kế cho chính gia đình. Tất cả yếu tố trên đã đưa đến cái nghèo cho cộng đồng ngư dân.

Từ thông tin định tính phân tích nguyên nhân dẫn đến tình trạng nghèo của cộng đồng dân cư tại vùng dự án. Dữ liệu định lượng được tiến hành thu thập qua phỏng vấn  trực tiếp 149 hộ thuộc 10 khu phố toàn thị trấn Phước Hải theo hướng tiếp cận Khung sinh kế bền vững được DFID giới thiệu. Nguồn vốn tạo sinh kế hộ theo DFID có 5 loại được trình bày ở Bảng 1

Bảng 1. Nguồn lực tạo sinh kế của hộ ngư dân điều tra.

Nguồn vốn

Chỉ tiêu

ĐVT

Trung bình

Nhân lực

Qui mô hộ

Người

4,41

Tuổi

Năm

35,3

Học vấn

Năm

3,37

Kinh nghiệm

Năm

14,2

Vật chất

Giá trị ghe/đò

Triệu đồng

49.366,7

Giá trị thúng máy

Triệu đồng

14.021,9

Dụng cụ

Triệu đồng

16.285,6

Tài chính

Thu nhập bình quân đầu người

Triệu đồng

32.515,0

Vay ngân hàng

Triệu đồng

14.833,3

Vay tổ chức đoàn thể

Triệu đồng

7.812,5

Vay Bạn bè/người than

Triệu đồng

15.400,0

Vay Tư nhân

Triệu đồng

22.129,0

Tự nhiên

Ngư trường

Km

7,8

Nguồn: Số liệu điều tra, tháng 3, 2013

Số liệu Bảng 1 trình bày nguồn lực tạo sinh kế của hộ ngư dân điều tra. Vốn nhân lực có quy mô trung bình hộ không cao, khoảng trên dưới 5 người, đa phần chủ hộ trẻ, tuổi bình quân khoảng 35, thuộc độ tuổi sung mãn trong lao động, kinh nghiệm đánh bắt hải sản khá cao trên 14 năm. Điều lưu ý là trình độ học vấn trung bình của chủ hộ khá thấp chỉ khoảng lớp 3, lớp 4 ở bậc tiểu học. Đây là một điều trở ngại cho việc thông hiểu, tiếp thu các chính sách, quy định mới trong việc quản lý tài nguyên ven biển. Vốn vật chất đối với ngư dân đánh bắt hải sản là ghe, đò, thúng … giá trị trung bình  của ghe đò máy là 49.366.700 đồng, nhóm ngư dân có vốn thấp, đánh bắt bằng thúng máy có giá trị trung bình  14.021.900 đồng. Khi cần đầu tư vào sản xuất, ngư dân vay tiền từ nhiều nguồn khác nhau, vốn tài chính này có một số hộ vay từ ngân hàng (14.833.300 đồng), hay vay của tổ chức đoàn thể tại địa phương (7.812.500 đồng), hoặc có hộ vay từ bạn bè người thân với mức khá cao (15.400.000 đồng). Vai trò của nhóm cho vay tư nhân khá linh động, phù hợp nhu cầu phát sinh đột xuất của ngư dân nên mức vay trung bình loại này của một số hộ có giá trị cao nhất (22.129.000 đồng). Nguồn vốn tự nhiên của cộng đồng là ngư trường đánh bắt hải sản. Vùng bờ biển này của Phước Hải có chiều dài khoảng 7,8 km (từ khu vực Mộ Ông - khu phố Lộc An đến Mũi Kỳ Vân - khu phố Hải Sơn) đang có mâu thuẫn trong vấn đề khai thác giữa ngư dân Phước Hải và ngư dân các tỉnh miền trung (Bình Định, Quảng Ngãi) và các tỉnh miền Tây (Tiền Giang, Bến Tre). Hàng năm từ tháng 4 đến tháng 9 âm lịch, nhóm ngư dân trên đến đánh bắt hải sản tại vùng biển Phước Hải với loại ghe công suất lớn (trên 90 CV), dùng giả cào, cào sát đáy ngay trong vùng bờ (< 5hải lý) làm hư hại ngư cụ của ngư dân tại chổ và đánh bắt cạn kiệt nguồn lực. Nguồn vốn xã hội của nhóm cộng đồng ngư dân gắn bó chặt chẽ, họ đi đánh bắt cùng giờ, chia sẽ nhau khó khăn khi biển động, lúc ra khơi.

Thu nhập và đời sống

Thu nhập chính của ngư dân là nguồn hải sản đánh bắt mỗi ngày, với chi phí trung bình ra khơi khoảng 86.000 ngàn, hộ ngư dân thu nhập ròng khoản 450.550 đồng/ngày. Với số ngày trung bình đi biển hàng tháng là 25 ngày và đánh bắt đều đặn 11 tháng trong năm, thì thu nhập bình quân người hàng  năm là  32.515.000 đồng. Tuy vậy, phân phối thu nhập lại khá bất đồng đẳng. Số liệu từ Bảng 2 cho thấy mức thu nhập bình quân đầu người hàng năm của 10% nhóm hộ thấp nhất là 6.171.000 đồng. Tỷ lệ hộ nghèo có mức thu nhập bình quân dưới 2 đô la/ngày là 14,8%. Với mức cách biệt  khá cao về thu nhập bình quân từng nhóm hộ như vậy, hệ số Gini  phản ảnh mức bất đồng đẳng về thu nhập bình quân người ở Phước Hải là 0,32. Phân tích sâu hơn theo từng nhóm thu nhập cho thấy thu nhập nhóm 10 % cao nhất chiếm 26,13% trong khi thu nhập của nhóm 40% đáy chỉ 20,96%. Hệ số bình quân  khoảng cách thu nhập đến ngưỡng nghèo là 3,50 và hệ số nhạy cảm nghèo (FGT index) là 1,42.

Bảng 2. So sánh Phân phối thu nhập và  phân phối vấn đầu tư vật chất nhóm hộ khảo sát

Phân bố thu nhập

bình quân đầu người

Phần trăm (%)

Phân bố vốn vật chất

Phần tram

Nhóm 40% đáy

20.96

Nhóm 40% đáy

17.30

Nhóm 40% giữa

37.59

Nhóm 40% giữa

36.67

Nhóm  20% trên

41.45

Nhóm  20% trên

46.02

Nhóm 10% đầu

26.13

Nhóm 10% đầu

30.23

Hệ số Gini

0.32

Hệ số Gini

0.48

Tỉ số nghèo (dưới US$ 2/ngày

14.76

 

 

Tỉ số khoảng cách thu nhập

3.50

 

 

FGT index of poverty

1.42

 

 

 

 

 

 

Nguồn: Số liệu điều tra, tháng 3, 2013

Để so sánh mức đầu tư vốn vật chất và mức thu nhập tương ứng, phân bố vốn vật chất (Physical capital distribution) được phân tích đồng dạng với phân bố nhóm thu nhập. Kết quả ở Bảng 2 cho thấy vốn vật chất có mức phân bố bất đồng đẳng cao hơn mức bất đồng đẳng trong phân phối thu nhập. Thật thế, nhóm 10% vốn vật chất cao nhất chiếm tới 30,23%  trong khi nhóm 10% thu nhập cao nhất chỉ chiếm 26,3%. Còn nhóm 40% đáy vốn vật chất chỉ chiếm mức đầu tư 17,3% trong khi tỷ lệ nhóm này chiếm trng phân phối thu nhập là 20,96%. Như vậy khoảng lệch vốn đầu tư cao hơn khoảng lệch phân bố thu nhập nếu không muốn nói mức đầu tư vật chất chưa nhận được thu nhập bù lại tương xứng, điều này dẫn đến hệ số Gini phân bố bất đồng đẳng vốn vật chất là 0,48 trong khi hệ số Gini của phân bố thu nhập là 0.32. Đường cong Lorenz ở Hình 2 cho thấy khoản lệch của 2 đường phân phối thu nhập và vốn vật chất.

       Nguồn: Số liệu điều tra, tháng 3, 2013

      Hình 2. Phân bố thu nhập bình quân đầu và phân bố tài sản nhóm hộ điều tra

Vấn đề đồng quản lý

Kết quả nghiên cứu từ thông tin định tính và thông tin định lượng cho thấy từ cấp lãnh đạo (tỉnh, huyện, thị trấn) đến cộng đồng ngư dân đều quan tâm đến vấn tài nguyên ngày càn cạn kiệt nếu không được quản lý chặt chẽ.

Vấn đề là cần tìm một phương thức quản lý phù hợp, sao cho:

+ Quản lý  tài nguyên một cách tổng hợp, có sự chia sẻ lợi ích, trách nhiệm giữa các bên liên quan và cộng đồng.

+ Nghề cá tại địa phương được quản lý theo nghề, vùng, mùa vụ và đối tượng.

+ Ngư dân rất cần sự hỗ trợ  để nâng cao nhận thức và năng lực trong quản lý thủy sản tại địa phương.

+ Ngư dân ít phụ thuộc vào nguồn lợi ven bờ và vươn khơi xa được do hạn chế về nguồn lực con người, tài chính, kỹ thuật.

+ Ngư dân đã nhận ra sự tác động hủy diệt của các nghề đánh bắt không hợp lý như giã cào, thuốc nổ trong vùng bờ. 

Trò xúc tác của nhóm nghiên cứu

Kết quả khảo sát của nhóm nghiên cứu đã được Ủy ban Nhân dân (UBND) thị trấn Phước Hải tán thành và đề nghị đề tài tiếp tục nghiên cứu hỗ trợ hướng phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ tài nguyên và môi trường tại địa phương. UBND thị trấn Phước Hải tạo điều kiện cho đề tài thực thi hiệu quả tại địa phương à đề nghị nhóm nghiên cứu báo cáo và đề nghị UBND tỉnh, huyện và các cơ quan chức năngv có chủ trương và chính sách tháo gỡ khó khăn nhằm hỗ trợ cho cộng đồng ngư dân tại Phước Hải khai thác hiệu quả và thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương nhất là du lịch. Về vấn đề “đồng quản lý”,  UBND thị trấn Phước Hải đề nghị nhóm nghiên cứu hỗ trợ hướng dẫn cộng đồng tổ chức tự quản để các hoạt động đánh bắt không vi phạm quy định khai thác và bảo vệ môi trường.

Ý kiến của cộng đồng ngư dân về Đồng Quản lý.

Trước nguy cơ tài nguyên chính cho sinh kế của gia đình ngày càng cạn kiệt, môi trường sống bị ô nhiễm, khí hậu thay đổi thất thường, bão tố cũng đã xảy ra…toàn bộ ngư dân hoàn toàn đồng ý việc xây dựng hệ thống đồng quản lý tài nguyên ven biển. Nhưng làm thế nào?

Vấn đề thành lập tổ tự quản được ngư dân đặt ra và để quản ý tốt tài nguyên vùng ven bờ cần có sự phối hợp với đội kiểm ngư, đội dân phòng, đội biên phòng, cục Quản lý nguồn lợi thủy sản.

Một số quy định cho thành lập nhóm tình nguyện từ cộng đồng với nhiệm vụ cung cấp thông tin, ghi hình và gọi điện thoại cho cơ quan chức năng khi phát hiện người vi phạm quy định. Để phối hợp với các lực lượng chức năng như kiểm ngư, biên phòng, xử lý đúng mực để người vi phạm các quy định đồng quản lý không tái phạm.

Lực lượng kiểm ngư và Biên phòng tại cấp tỉnh cần chỉ đạo trong quản lý và thực hiện đồng quản lý tại địa phương. Lực lượng đồng quản lý tại địa phương cần được tham gia tham quan học tập các mô hình đồng quản lý trong vùng và quốc gia, đồng thời lực lượng này cần được nâng cao nhận thức và đào tạo chuyên môn.

Nâng cao năng lực cộng đồng

Sau khi xác định được vấn đề “đồng quản lý” tài nguyên, vấn đề nâng cao năng lực cộng đồng được đặt ra cho nhóm nghiên cứu, là môi trường xúc tác để giúp cộng đồng hội đủ kỹ năng tham gia cùng các tổ chức địa phương thực hiện các công tác đồng quản lý trong việc xác định phạm vi, đối tượng, phương thức, kế hoạch và quy chế đồng quản lý. Đồng thời các bản đồ vùng biển đồng quản lý và tài liệu truyền thông cũng đã được nhóm nghiên cứu hướng dẫn để các bên liên quan đề xuất dự thảo và ban hành.

 Xác định phạm vi, đối tượng, phương thức, kế hoạch đồng quản lý

Phạm vi đồng quản (Vùng đồng quản lý): Vùng biển đồng quản lý đã được cộng đồng thảo luận và thống nhất .

Vùng biển đồng quản lý thủy sản Phước Hải trong phạm vi theo chiều dọc 7,8 km  dọc theo thị trấn và theo chiều ngang từ bờ ra khơi là 5 hải lý. Trong vùng này thực hiện các lệnh cấm và hỗ trợ cho các phương tiện và nghề như thảo luận của cộng đồng.

Đối tượng đồng quản lý: Cộng đồng thảo luận và thống nhất đối tượng đồng quản lý bao gồm phương tiện khai thác, nghề khai thác, ngư cụ khai thác, loài khai thác.

Phương thức đồng quản lý: Cộng đồng cũng đã xác định rõ các phương thức quản lý đối với từng đối tượng trong vùng đồng quản lý.

-         Phương tiện khai thác được quản lý theo vùng tương ứng với mã lực cho phép.

-         Nghề khai thác được quản lý theo vùng.

-         Ngư cụ được quản lý theo kích thước mắt lưới.

-         Loài khai thác được quản lý theo kích thước và thời gian đánh bắt.

Kế hoạch đồng quản lý đã được Ban chỉ đạo tổ đồng quản lý và tổ đồng quản lý Phước Hải xây dựng và thông qua cộng đồng.

Quy chế đồng quản lý

Quy chế đồng quản lý do Ban chỉ đạo đồng quản lý và Tổ đồng quản lý xây dựng được UBND thị trấn Phước Hải phê duyệt dựa vào đề xuất hợp pháp của cộng đồng và hệ thống luật pháp hiện hành. Mục đích của quy chế là huy động cộng đồng thực hiện quy định pháp luật hiện hành, cam kết của người dân và tham gia vào quản lý thuỷ sản và sinh cảnh trong vùng biển đồng quản lý của thị trấn Phước Hải. Mục tiêu của quy chế là hướng đến xoá bỏ nghề khai thác huỷ diệt, giảm thiểu mức độ khai thác, bảo vệ tài nguyên thủy sinh, và phát triển sinh kế thuỷ sản bền vững.

Hình thức quản lý

Tại các hội thảo giữa cộng đồng và chính quyền địa phương, ngư dân còn đề nghị các phương thức quản lý thủy sản trong vùng đồng quản lý.

-       Đề nghị cấm khai thác của một số nghề, đặc biệt vùng từ 3 hải lý trở lại cấm dùng chất nổ đánh bắt hải sản (do người ngoài địa phương đánh bắt), cấm phương tiện ghe giã cào và nghề giã cào dùng phương tiện hiện đại cào sát đáy biển, hủy diệt tài nguyên. Các vùng từ 5 hải lý trở ra khơi được quy định cho phương tiện xổng, thúng, đò có thể khai thác  các nghề lưới tôm, lưới các trích, lưới cá đù, lưới cá hố và lưới ghẹ.

-       Kiểm soát kích thước mắt lưới ví dụ: 2a = 10 ly đối với cá mú; 2a = 7 ly đối với cá chép, cá chang, cá hố, cá vượt, cá rựa.

-       Sắp xếp ngư trường khai thác ví dụ thúng mày có thể khai thác vào mùa mưa.

-       Kêu gọi đầu tư hỗ trợ vốn cho ngư dân vươn khơi ví dụ 30 triệu/hộ (tối đa theo chính sách).

-       Những thành viên tích cực trong cộng đồng tham gia tổ tự quản cần được hỗ trợ sinh kế thay thế. Đồng thời tổ tự quản cần được  nâng cao nhận thức và đào tạo. Người dân còn đề nghị việc thành lập Tổ tự quản cần phải tổ chức họp rộng rãi trong cộng đồng.

Ban chỉ đạo đồng quản lý Phước Hải (Cấp tỉnh), Ban đồng quản lý Phước Hải (cấp thị trấn) và các Tổ đồng quản lý tại địa phương được hình thành

Kết quả thực hiện thí điểm 3 tháng Đồng Quản lý tại vùng biển Phước Hải

Công tác đánh giá kết quả sau 3 tháng tổ chức Đồng Quản lý được thực hiện trên hai đối tượng: Ban đồng quản lý thị trấn Phước Hải và cộng đồng ngư dân.

Đánh giá kết quả từ  Ban Đồng Quản lý Thi trấn Phước Hải

Theo Ban đồng quản lý thị trấn Phước Hải, sau 3 tháng thực hiện thí điềm các hoạt động thức hiện được như sau:

- Đã ban hành Quyết định về việc thành lập Ban đồng quản lý tài nguyên ven biển trên địa bàn thị trấn Phước Hải với số lượng 30 thành viên Ban đồng quản lý đã thực hiện:

- Xây dựng quy chế hoạt động tạm thời của Ban đồng quản lý.

- Xây dựng quy chế tạm thời về quản lý thủy sản và sinh cảnh trên vùng biển đồng quản lý của thị trấn Phước Hải.

+ Đi thực địa xác định phạm vi, ranh giới vùng biển đồng quản lý.

+ Ban hành quyết định thành lập thí điểm 04 tổ đồng quản lý ở các khu phố Lộc An, Hải Lạc, Hải Phúc và Phước Trung.

+ In 198 tờ rơi tuyên truyền về quy chế tạm thời về quản lý thủy sản và sinh cảnh trên vùng biển đồng quản lý của thị trấn Phước Hải

+ Tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh của thị trấn được 28 buổi/16 giờ.

+ Tăng cường tuần tra xử lý các phương tiện khai thác vi phạm trong vùng biển đồng quản lý. Trong tháng 9, 10 đã tuần tra 22 lượt, xử lý 31 phương tiện vi phạm (trong đó, tuần tra theo tin báo của ngư dân cung cấp được 05 lượt).

+ Kinh phí triển khai thực hiện trong 03 tháng thí điểm 15.480.000 đồng.

Kết quả đạt được:

-  Mô hình Đồng quản lý tài nguyên ven biển ở địa phương được cộng đồng ngư dân ủng hộ, đặc biệt là các ngư dân hành nghề khai thác thủy sản ven bờ bằng thúng máy, đò nan.

- Qua các đợt tăng cường tuần tra xử lý các phương tiện vi phạm đã phần nào hạn chế việc khai thác xâm phạm tuyến bờ.

Hạn chế và khó khăn:

- Nhận thức của một số ngư dân chưa cao, chưa biết được lợi ích của việc thực hiện mô hình đồng quản lý nên trong công tác tuyên truyền chưa đạt hiệu quả mong muốn, vẫn còn khai thác vi phạm vùng biển đồng quản lý.

- Bờ biển địa phương là bãi ngang có chiều dài bờ biển đến 7,8 km rất khó quản lý các phương tiện đánh bắt một khi vi phạm. Các phương tiện đánh bắt như thúng máy, đò nan rất khó tiếp cận các chủ phương tiện sử dụng lưới kéo, lước vây hay sử dụng chất nổ đánh bắt trong vùng bờ, do các phương tiện này có công suất lớn.

- Khi có tin báo của ngư dân về việc ghe tỉnh bạn đánh bắt hải sản vi phạm sai tuyến thì Ban đồng quản lý phối hợp cùng kiểm ngư tổ chức tuần tra thì phương tiện đã đi nơi khác, rất khó xử lý kịp thời. 

- Do việc đi biển tuần tra tương đối nguy hiểm, các thành viên trong Ban đồng quản lý đa số là những người kiêm nhiệm công việc, việc đi kiểm tra thường giao cho cơ quan chuyên môn là Trạm kiểm ngư tại đóng tại xã Lộc An, đồng thời Trưởng trạm là thành viên của Ban đồng quản lý tổ chức tuần tra theo kế hoạch và tuần tra đột xuất khi có tin báo của ngư dân nên ít phát hiện kịp thời các phương tiện đánh bắt vi phạm.

- Kinh phí triển khai thực hiện còn rất hạn chế, chủ yếu là kinh phí tuần tra ngoài biển, in tờ rơi tuyên truyền, chưa có kinh phí hỗ trợ cho các thành viên tổ đồng quản lý để đi lại trong công tác truyền thông, tuyên truyền đến ngư dân.

Đánh giá kết quả thí điểm qua cộng đồng ngư dân.

     

Buổi họp cộng đồng ngư dân có các tổ trưởng khu phố đánh giá kết quả thí điểm 3 tháng đồng quản lý. Theo cộng dồng ngư dân, mô hình thí điểm ĐQL 3 tháng thực hiện vừa qua không thành công bởi:

-          Tàu đánh cá các tỉnh với công suất cao, lưới mắt nhỏ vẫn còn đánh cá vùng 5 hải lý ven bờ.

-          Ngư dân vẫn còn sử dụng trái nổ, đánh bắt hủy diệt nguồn lực.

-          Nội dung tờ rơi chưa rõ ràng, chưa quy định cụ thể các phần cấm khai thác.

-          Thiếu phương tiện tàu bè để tuần tra và phát hiện cũng như xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm.

-          Các thông tin truyền thanh chưa rõ, ít người chú ý lắng nghe.

Cộng đồng ngư dân cũng đã đề nghị một số biện pháp nhằm thực hiện đồng quản lý hiệu quả hơn:

-          Tính pháp lý của nhóm đồng quản lý cần được cụ thể hơn để nhóm có thể thực thi công tác tuần tra, kiểm soát, chế tài người vi phạm.

-            Bổ sung phương tiện như tàu bè công suất cao, phục vụ công tác giám sát, phát hiện và đuổi bắt tàu vi phạm quy chế khai thác.

-          Đặt chốt kiểm soát ngay cửa biển Lộc An, thuận tiện trong việc ngăn chặn và xử lý tàu thuyền vi phạm trong ngư trường đánh bắt.

-          Nâng cao chế tài đối với đối tượng vi phạm, một phần được trích để làm quỹ hoạt động.

VI. Tóm tắt- Kết luận –Hàm ý chính sách

Vấn đề đồng quản lý tài nguyên ven biển là vấn đề cấp thiết hiện nay để các bên liên quan, nhất là cộng đồng ngư dân có trách nhiệm quản lý tài nguyên trên chính ngư trường họ khai thác nhằm tạo sinh kế bền vững. Phương cách quản lý chỉ dựa vào lực lượng chính quyền đã không kiểm soát được tình hình khai thác cạn kiệt và hủy diệt trong hoạt động đánh bắt. Tình trạng này kéo dài chẳng những tài nguyên ven biển cạn kiệt mà còn tác động ngược lại với ngư dân, nhất là cộng đồng đánh bắt hải sản quy mô nhỏ vì sinh kế duy nhất của họ chỉ dựa chủ yếu vào khai thác hải sản ven bờ. Mô hình đồng quản lý kết hợp các lực lượng chức năng liên quan của chính quyền và cộng đồng ngư dân tại chỗ cùng chia sẽ trách nhiệm và quyền lợi là phù hợp để ngư dân nhận lãnh trách nhiệm bảo vệ nguồn tài nguyên quốc gia, cũng là nguồn sinh kế của chính họ. Tuy vậy, để mô hình thực hiện thành công cần thời gian để ngư dân được tập huấn phương cách tự quản, tự tổ chức và nâng cao năng lực để phối hợp với các bên liên quan cùng thực hiện. Ngoài ra, sự hỗ trợ của chính quyền cấp tỉnh và cấp huyện về cơ chế hoạt động, tính pháp lý và các phương tiện vật chất như tàu bè, các công cụ hỗ trợ. Có như vậy, mô hình “Đồng Quản lý” tài nguyên ven biển mới thành công và bền vững.

Gợi ý chính sách

Để Đồng Quản lý tài nguyên ven biển đi vào thực tiễn, nhà chính sách cần quan tâm các vấn đề sau :

-          Xây dựng các tổ chức cộng đồng cần thời gian để tập huấn người dân, nêu rõ các chức năng, các hoạt động và trách nhiệm cùng quyền lợi từng thành phần trong tổ chức và nhất là cần thực hiện theo từ dưới lên, để người dân tự thảo luận bình bầu các chức năng trong tổ chức.

-          Xây dựng năng lực cho cộng đồng dân cư để họ có thể thực thi trách nhiệm được phân công.

-          Các bên liên quan cần hoạt động thường xuyên để trợ giúp nhau.

-          Luật và các văn bản dưới luật cần ban hành, các quy chế được xây dựng cần đầy đủ tính pháp lý để được thực thi.

-          Ngân sách hoạt động và các phương tiện khác như tàu tuần tra, tờ rơi…cần được chuẩn bị đầy đủ.

Có như thế, hoạt động đồng quản lý mới đảm bảo tính thực tế, tài nguyên vùng bờ được bảo vệ, nguồn lợi không bị cạn kiệt và đời sống ngư dân đánh bắt ven bờ mới bền vững.

 

Tài liệu tham khảo

Bailey,C.,1994. Employment, labour productivity and Income in Small-scale fisheries of South and Southeast Asia. Socio-Economic Issues in Coastal Fisheries Management- Proceeding of those IPFC Symposium held in conjunction with the Twenty- fourth Session of IPFC. Bankok, Thailand, 23-26 November, 1993

Berkes,F.,1991. Co-management: The evolution in theory and practice of the joint  administration of living resources. Alternatives, 18(2): 12-18.

Berkes, F., 2008. Evolution of co-management: Role of knowledge generation, bridgin organizations and social learning. Journal of Environmental Management

Duraiappah, A.K., Roddy, P. and Parry, J.E., 2005. Have participatory approaches increased capabilities?. International Institute for Sustainable Development.

Jentoft, S., 1989. Fisheries co-management: delegating responsibility to fishermen’s organizations. Marine Policy, 13(2): 137-154.

Jentoft, S and McCay, B., 1995. User participation in fisheries management: lessons drawn from international experiences. Marine Policy, 19: 227-246

Lê Trần Nguyên Hùng, 2009. Mô hình đồng quản lý nghề cá ở Việt Nam.

Hội thảo khu vực về đồng quản lý nghề cá qui mô nhỏ tại Việt Nam. TP Đà Nẵng 26-27/10/2009.

Pinkerton, E., 1989. Cooperative Management of Local Fisheries: New Directions for Improved Management and Community Development. Vancouver: University of British Columbia Press

Pomeroy, R. and Williams, M.J., 1994. Fisheries Co-Management and Small Scale Fisheries: A policy brief. International Center for Living Aquatic Resources                 

Tompkins, E.L and Adger, W.L, 2004. Does adaptive managerment of natural resources enhance resilience to climate change?. Ecology and Society, 9(2)

Viswanathan, K and Abdullah,N.M.R.,1994. Planning and management of small-scale coastal fisheries, p.115-123. In R.S. Pomeroy (ed.). Community management and common property of coastal fisheries in Asia and the Pacific: Concepts, methods and experiences. ICLARM Conf. Proc. 45, 189.

DFID, 1999. Sustainable livelihoods guidance sheets. London: Departerment for International Development. <http://eldis.org/go/home&id=41731&type=Document#.U_wwv4sg9dg>

Văn phòng Chính phủ, 2007. Quyết định 158/TTg: Phê duyệt chương trình quản lý tổng hợp dải ven biển vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020. Hà Nội, ngày 10 tháng 7 năm 2007.                                                 <http://vanban.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/hethongvanban?class_id=1&mode=detail&document_id=42717>

World Bank, 2013. Vietnam. Additional Financing for the Coastal Resources for Sustainable Development Project. Washington DC: World Bank. <http://documents.worldbank.org/curated/en/2013/03/17428498/vietnam-additional-financing-coastal-resources-sustainable-development-project.>

 

Lĩnh vực hoạt động khác