Kinh nghiệm phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe ở Trung Quốc và một số nước Đông Bắc Á
Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, đặc biệt là đối với ngành du lịch. Thời gian qua ngành du lịch Việt Nam đã có nhiều phương án, giải pháp được đưa ra nhằm duy trì.
Ngoài ra, còn giúp khôi phục và phát triển du lịch trong trạng thái bình thường mới, nhằm đáp ứng được cầu du lịch đang bị kìm nén thời gian qua. Đón đầu một trong những xu hướng về loại hình, sản phẩm dịch vụ du lịch được quan tâm nhiều nhất trong thời gian tới phải kể đến loại hình du lịch chăm sóc sức khỏe.
Trên thế giới, sự phát triển của du lịch chăm sóc sức khỏe khá mạnh mẽ tại nhiều quốc gia như Hoa Kỳ, Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan. Sự phát triển của du lịch sức khỏe ở Trung Quốc và một số nước Đông Bắc Á đã tích cực thúc đẩy phát triển loại hình du lịch này ở khu vực.
Hướng tới cuộc sống lành mạnh, lan tỏa tính phổ biến và giá trị cao của du lịch chăm sóc sức khỏe, đồng thời quản lý tốt loại hình du lịch này, nâng cao vị trí thương hiệu, chất lượng dịch vụ ngành, góp phần gìn giữ được bản sắc văn hóa, tài nguyên và bảo vệ môi trường.
1. Đặt vấn đề.
Hiện nay, với tốc độ già hóa dân số thế giới ngày càng gia tăng, khi cuộc sống thành thị nhộn nhịp đối diện với nhiều áp lực, ô nhiễm môi trường, lây nhiễm dịch bệnh…
Thì con người càng mong muốn có một lối sống lành mạnh, càng chú trọng hơn đến các dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, dưỡng sinh, nơi có môi trường không gian yên tĩnh, trong lành để trải nghiệm, hưởng thụ.
Càng được thể hiện rõ hơn trong xu hướng du lịch chăm sóc sức khỏe và là biểu hiện của sự theo đuổi giá trị sức khỏe không ngừng nghỉ của nhân loại.
Tất cả những điều này đều thúc đẩy du lịch chăm sóc sức khỏe trở thành một loại hình du lịch mới có xu hướng phát triển ở hiện tại và tương lai. Nhìn chung, thị trường du lịch chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam đã bắt đầu hình thành và dần trở thành một thị trường tiêu dùng ngày càng quan trọng ở khu vực và quốc tế.
Dựa vào cơ sở trên, bài viết tổng hợp các tài liệu trong và ngoài nước về du lịch chăm sóc sức khỏe, tổng kết kinh nghiệm phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe ở một số quốc gia trên thế giới, và đưa ra những đề xuất tham khảo nhằm thúc đẩy phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam, hướng tới phát triển bền vững.
2. Nội hàm của du lịch chăm sóc sức khỏe.
Trong giới học thuật hiện nay có nhiều ý kiến khác nhau về khái niệm về du lịch chăm sóc sức khỏe và vẫn chưa có sự đồng thuận chung cụ thể.
Một trong những lý do có thể là sự phức tạp hóa trong ngôn ngữ như: du lịch (Wellness Tourism) hướng đến cho du khách một cuộc sống lành mạnh, thư giãn, cân bằng cuộc sống và cảm xúc, sự lồng ghép, kết hợp giữa du lịch nghỉ ngơi và sử dụng các dịch vụ, liệu trình chăm sóc nâng cao sức khỏe massage, yoga, thiền…;
Du lịch (Medical Tourism) cũng hướng đến cho du khách những trải nghiệm du lịch kết hợp giữa nghỉ dưỡng và y tế, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, điều trị, nghỉ ngơi nâng cao trí lực, thể lực cho khách bởi những trải nghiệm mang tính trị liệu nơi có điều kiện y tế, khám chữa bệnh tốt…
Ngoài ra, các loại hình du lịch khác mang lại giá trị về giải trí, niềm vui, hạnh phúc cho du khách cũng tác động đến sức khỏe của họ, trong đó các quốc gia có nền văn hóa khác nhau cũng có quan niệm khác nhau.
Vì vậy, mà du lịch chăm sóc sức khỏe thường bị nhầm lẫn với các khái niệm như du lịch sức khỏe, du lịch nghỉ dưỡng và du lịch chữa bệnh… Muốn hiểu đúng du lịch chăm sóc sức khỏe thì trước hết phải hiểu ý nghĩa của việc giữ gìn sức khỏe trước.
2.1 Quan niệm về chăm sóc sức khỏe.
Sức khỏe là sự kết hợp của sức khỏe thể lực và sự khỏe mạnh nội lực, và ý nghĩa của nó được đan xen với các khái niệm về hạnh phúc, niềm vui, chất lượng cuộc sống, thể lực toàn diện và niềm tin vào tâm linh.
Ở các nước phương Tây, thuật ngữ chăm sóc sức khỏe hiện đại được đề xuất bởi bác sĩ người Mỹ Halbert Dunn (1959).
Cách giữ gìn, chăm sóc sức khoẻ và chỉ ra cách giữ gìn sức khoẻ là sự thống nhất hài hoà của thể chất, trí óc và tinh thần, sẽ tiếp tục phát triển và điều chỉnh theo sự biến đổi không ngừng của môi trường vật chất, thể chất, văn hóa và xã hội.
Các học giả sau này đã mở rộng và làm phong phú thêm khái niệm giữ gìn sức khỏe trên cơ sở này. Ví dụ, Ardell và Mueller tin rằng, cốt lõi của việc giữ gìn, chăm sóc sức khoẻ là tự chịu trách nhiệm trước sự nhạy cảm, những tác động của môi trường.
Travis nhấn mạnh rằng chăm sóc sức khỏe là một trạng thái tồn tại, một trạng thái của tinh thần và là một quá trình tiến bộ liên tục. Myers và Sweeney cho rằng tâm linh là cốt lõi của việc giữ gìn, chăm sóc sức khỏe.
Dựa trên những quan điểm này, tác giả cho rằng chăm sóc sức khỏe không chỉ là không bị đau đớn và căng thẳng mà còn là trạng thái sống tối ưu mà con người có ý thức và chủ động theo đuổi.
Bao gồm một cơ thể cường tráng, một trí tuệ minh mẫn, các mối quan hệ hài hòa giữa các cá nhân với nhau, hướng đến môi trường sống lành mạnh, tốt đẹp, hạnh phúc hiện hữu.
2.2 Du lịch chăm sóc sức khỏe.
Du lịch chăm sóc sức khỏe cho đến nay vẫn chưa có một khái niệm thống nhất, chủ yếu đang dựa trên những khái niệm tương tự như du lịch nghỉ dưỡng, du lịch chữa bệnh, du lịch trải nghiệm kết hợp các dịch vụ tắm khoáng nóng, tắm bùn, massage, xông hơi…
Đối với du lịch y tế là những du khách rời khỏi nơi cư trú thông thường của họ để được chăm sóc y tế, sử dụng các dịch vụ liên quan đến khám bệnh, nha khoa, phẩu thuật ở các địa điểm trong nước hoặc nước ngoài nhằm đạt được các nhu cầu về y tế và giá cả phù hợp, chất lượng, nhanh chóng và hiệu quả;
Đối với du lịch chăm sóc sức khỏe là đề cập đến tất cả các mối quan hệ và hiện tượng của những người có mục đích chính là duy trì, tăng cường sức khỏe, tinh thần thực hiện bởi hành vi rời khỏi nơi cư trú đi du lịch mang lại.
Khách sử dụng các dịch vụ du lịch chăm sóc sức khỏe thường có nhu cầu ở trong các khách sạn tiện nghi đảm bảo các dịch vụ chăm sóc đặc biệt liên quan đến sức khỏe, thân thiện với môi trường.
Họ mong muốn sử dụng chuỗi các dịch vụ tổng hợp như: thể dục, chăm sóc sắc đẹp, chế độ dinh dưỡng, thư giãn, yoga, thiền, xông hơi, các hoạt động liên quan đến trí tuệ, giáo dục… Những dịch vụ này khác biệt với loại hình du lịch y tế như: điều trị, phẩu thuật, chỉnh hình, nha khoa…
Trong đó giữa hai loại hình du lịch chăm sóc sức khỏe và du lịch y tế cũng có các sản phẩm dịch vụ tương đồng như: kết hợp tây y và đông y trong trị liệu, yoga, massage, spa, thiền, thái cực quyền…
Nhiều cơ sở cung cấp dịch vụ có cả nơi điều trị và nghỉ ngơi, phòng ngừa, và đều được cấp phép bởi cơ quan thẩm quyền quy định.
Đây cũng là những quan niệm đối với loại hình du lịch chăm sóc sức khỏe đang phát triển tại Trung Quốc, các nước Đông Bắc Á, du khách với động cơ sử dụng các dịch vụ gần gũi với thiên nhiên, môi trường trong lành gắn với các hoạt động ngoài trời nhằm mục đích duy trì, nâng cao sức khỏe.
3. Kinh nghiệm phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe ở Trung Quốc.
Trung Quốc với diện tích rộng lớn, đông dân và nền văn hóa lịch sử lâu đời, có điều kiện tự nhiên, núi non hùng vĩ hoang sơ cho đến các làng mạc thị trấn cổ kính mang đậm nét văn hóa từ 56 dân tộc.
Ẩm thực phong phú được tích lũy hàng ngàn năm đã tạo điều kiện cho Trung Quốc có nhiều lợi thế trong phát triển kinh tế nói chung và du lịch nói riêng.
Báo cáo của Học viện cho thấy trong năm 2019 Trung Quốc ghi nhận 145 triệu chuyến đi du lịch trong nước và doanh thu du lịch hàng năm của nước này đạt 6,63 nghìn tỷ nhân dân tệ.
Trong khoảng 1 thập kỷ qua, Trung Quốc nổi lên là một thị trường thu hút nguồn khách du lịch quốc tế ngày càng tăng, theo báo cáo phát triển du lịch năm 2019 được Viện nghiên cứu du lịch Trung Quốc công bố mới đây.
Theo đó, thị trường khách du lịch quốc tế của nước này duy trì tăng trưởng ổn định với 141 triệu lượt khách, đạt doanh thu 130 tỷ USD, tăng trưởng 3% trong năm 2019 [2];
Cũng theo báo cáo này, khu vực châu Á là thị trường khách quốc tế chủ yếu, chiếm tới 60% lượng khách tới Trung Quốc, tiếp theo đó là các khu vực châu Âu và Bắc Mỹ, lượng khách lần lượt chiếm tỷ lệ 20% và 10%.
Đáng chú ý, liên kết phát triển du lịch văn hóa và du lịch sinh thái, chăm sóc sức khỏe đang trở thành động lực mới trong phát triển thị trường du lịch ở Trung Quốc.
Thông qua việc làm phong phú nguồn cung sản phẩm du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng cường tính độc đáo và thú vị, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu văn hóa, nghỉ ngơi, nâng cao sức khỏe của du khách.
Trước sự đổi mới và điều chỉnh cơ cấu của thị trường du lịch toàn cầu và thị hiếu của du khách, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã đề ra nhiều cơ chế, chính sách phát triển ngành.
Áp dụng các biện pháp thoái thuế và giấy tờ xuất nhập cảnh tiện lợi để thúc đẩy thị trường khách quốc tế tiếp tục phát triển cũng như chú trọng phát triển khách du lịch trong nước.
Từ sự phát triển du lịch nói chung và du lịch chăm sóc sức khỏe nói riêng tại Trung Quốc có thể nhận định một số kinh nghiệm sau:
3.1 Trung Quốc chú trọng chính sách phát triển du lịch, cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật phát triển du lịch.
Để kích thích phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe của Trung Quốc, ngoài những cơ chế chính sách phát triển chung ngành du lịch, thì những chính sách ưu tiên đối với loại hình chăm sóc sức khỏe, y tế được chú trọng như:
Bao gồm đẩy nhanh việc phê duyệt thiết bị chăm sóc sức khỏe, y tế và đăng ký nhập khẩu dược phẩm trong khu thí điểm;
Các khu du lịch đã và đang hoạt động du lịch chăm sóc sức khỏe tiên phong ứng dụng các dự án nghiên cứu công nghệ khoa học kỹ thuật chăm sóc sức khỏe, y tế tiên tiến mới như nghiên cứu từ phát triển về tế bào gốc theo từng nhu cầu, khả năng kỹ thuật riêng;
Khi cơ quan quản lý về sức khỏe, sở y tế chấp thuận cho các cơ sở chăm sóc sức khỏe ngoài công lập hoạt động cung cấp các dịch vụ, sản phẩm chăm sóc sức khỏe do mình thành lập phải được trang bị trong phạm vi hành nghề và đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn trang thiết bị, nguyên liệu của các đơn vị liên quan;
Trang thiết bị chăm sóc sức khỏe, y tế quy mô lớn có thể được phê duyệt cùng nhau; thời gian hành nghề của nhân viên chăm sóc sức khỏe người nước ngoài trong khu cơ sở hoạt động được nới lỏng, gia hạn dài hơn;
Nhà đầu tư nước ngoài được phép thành lập các cơ sở chăm sóc sức khỏe, y tế trong vùng thí điểm; thuế nhập khẩu một số thiết bị chăm sóc sức khỏe, y tế và thảo dược trong vùng thí điểm có thể được giảm một cách hợp lý;
Tăng chỉ tiêu quy hoạch đất xây dựng cơ sở du lịch chăm sóc sức khỏe của khu vực có tiềm năng; khuyến khích thu hút đầu tư xã hội, sử dụng nhiều kênh tài chính để phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe.
Đáng chú ý, ngày 17/11/2015 ngành du lịch Trung Quốc và Cục quản lý nhà nước về Y học Cổ truyền Trung Quốc đã phối hợp ban hành “Chương trình thúc đẩy phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe, y tế, y học cổ truyền Trung Quốc”.
Đây là điểm nhấn tiên phong cho loại hình du lịch, chăm sóc sức khỏe, y tế của Trung Quốc bước sang một giai đoạn phát triển mới.
Theo thống kê, năm 2020, lượng khách du lịch sử dụng kết hợp với y học cổ truyền ở Trung Quốc đạt 3% tổng lượng khách du lịch và thu nhập của du lịch chăm sóc sức khỏe bằng đông y Trung Quốc đạt 300 tỷ nhân dân tệ.
Dự kiến đến năm 2025, số lượng khách du lịch chăm sóc sức khỏe ở Trung Quốc sẽ đạt 5% tổng số khách du lịch.
Ngày 7/7/2016 ngành Du lịch Trung Quốc và Cục quản lý nhà nước về Y học Cổ truyền Trung Quốc đã thành lập mô hình “Khu Trình diễn du lịch chăm sóc sức khỏe kết hợp y học cổ truyền Trung Quốc Quốc gia”.
Đến năm 2019, đã có hơn 1000 khu trình diễn các loại hình du lịch chăm sóc sức khỏe, y học cổ truyền khắp cả nước Trung Quốc [3].
Để đạt được mục tiêu này, ngành du lịch Trung Quốc đã đưa ra nhiều giải pháp trong đó chú trọng phát triển, khai thác phát triển các sản phẩm du lịch sức khỏe kết hợp đông y cổ truyền;
Ưu tiên xây dựng thương hiệu du lịch chăm sóc sức khỏe được lan tỏa từ những khu du lịch đã phát triển, khu du lịch 5A (tiêu chuẩn quốc gia);
Mở rộng, phát triển thị trường loại hình du lịch chăm sóc sức khỏe; Đổi mới mô hình phát triển theo thị hiếu người tiêu dùng; đào tạo nhân lực du lịch chăm sóc sức khỏe;
Cải thiện các dịch vụ công cộng cho du lịch chăm sóc sức khỏe tại các khu, điểm du lịch; thúc đẩy sự liên kết, hợp tác phát triển bền vững của du lịch chăm sóc sức khỏe.
Đồng thời, ngành Du lịch và Cục quản lý Y học cổ truyền Trung Quốc tiếp tục xây dựng cơ chế hợp tác, phối hợp, đưa ra các chính sách hỗ trợ, không ngừng tăng cường đầu tư vốn, hướng dẫn các doanh nghiệp và nguồn vốn xã hội đầu tư vào lĩnh vực du lịch chăm sóc sức khỏe bằng đông y Trung Quốc.
Một trong những địa điểm điển hình nổi bật đó là “Yiling Health City” đầu tiên của Trung Quốc với chủ đề du lịch chăm sóc sức khỏe được khai trương vào tháng 6/2015.
Tọa lạc tại thành phố Thạch Gia Trang, tỉnh Hà Bắc, có diện tích 830ha. Toàn bộ khu tổ hợp du lịch chăm sóc sức khỏe được thiết kế theo văn hóa y học cổ truyền Trung Quốc và công nghệ tiên tiến hiện đại. Kết hợp, nó là “Điểm trình diễn du lịch công nghiệp thành phố Thạch Gia Trang”.
Ngoài cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật, khu du lịch tràn ngập sắc thái của cây xanh, hoa lá và chim muông, hơn 40 loại cây quý hiếm, gần một triệu cây xanh và cây bụi, diện tích cây xanh chiếm 157.000m2, hồ nhân tạo, các tác phẩm điêu khắc bằng đá cẩm thạch…
Trong đó khu vực dịch vụ được quy hoạch tỉ mỉ, các tác phẩm điêu khắc độc đáo, các tòa nhà hiện đại và “Vườn bách thảo” non xanh tạo nên một cảnh quan du lịch độc đáo.
Đến với Yiling du khách được trải nghiệm, tận hưởng sự sang trọng của ngành công nghiệp xanh hiện đại, cảm nhận sâu sắc của văn hóa y học cổ truyền Trung Quốc và trải nghiệm hành trình trẻ hóa cơ thể và tâm trí điểm du lịch này mang lại.
Điểm du lịch này được xem như “thung lũng chăm sóc sức khỏe” toàn diện, ở đây du khách không chỉ có chế độ ăn uống khoa học được các chuyên gia dinh dưỡng đưa ra.
Mà còn kết hợp các hoạt động văn hóa phi vật thể tạo cho họ ăn ngon miệng và cảm thấy khỏe mạnh hơn, với không gian trong lành và sự phục vụ chuyên nghiệp.
Cùng với đó du khách có thể tham gia mua sắm các sản phẩm, dịch vụ chất lượng có tác dụng tốt cho cơ thể bằng hình thức qua trực tuyến hay từ khu lễ tân, tham dự các bài giảng chuyên môn về sức khỏe.
Đồng thời có thể tham gia các câu lạc bộ sức khỏe được hoạt động chuyên nghiệp, cao cấp, quy mô lớn, cụ thể là dưỡng sinh kinh lạc, bổ phế, vận động và tĩnh tâm [3].
Hiện nay, Chính phủ Trung Quốc luôn tạo điều kiện tài chính cho đầu tư cơ sở vật chất – hạ tầng, cũng như cơ sở vật chất – kỹ thuật phục vụ du lịch, nhằm hiện đại hóa ngành du lịch.
Đảm bảo được những điều kiện vật chất nhất định phục vụ tốt nhất cho du khách, giữ chân du khách lưu trú dài hơn, với nhiều dịch vụ, chất lượng sản phẩm du lịch chất lượng cao.
Đặc biệt là chú trọng phát triển các sản phẩm du lịch gắn với thiên nhiên, có lợi cho sức khỏe như các khu nghỉ dưỡng núi kết hợp chăm sóc sức khỏe ở Dương Sóc Quế Lâm, Trương Gia Giới ở Hồ Nam.
Du lịch kết hợp trải nghiệm các bộ môn võ truyền thống, khí công, thái cực quyền ở Hà Nam, hay du lịch sinh thái kết hợp các dịch vụ ngâm tắm thuốc bắc theo phương pháp Đông y cổ truyền ở các dân tộc thiểu số phát triển ở các tỉnh Tứ Xuyên, Trùng Khánh, Quý Châu, Vân Nam…
Ở Trung Quốc có thể đi lại dễ dàng bằng các phương tiện giao thông đường bộ, đường sắt cao tốc, đường hàng không, tầu điện ngầm, đường thủy.
Hiện nay, Trung Quốc đang có mạng lưới đường sắt cao tốc (HSR) dài nhất thế giới với 25.000 km (chiếm hơn 65% độ dài toàn hệ thống trên thế giới).
Vừa phục vụ nhu cầu dân sinh vừa phục vụ nhu cầu khách du lịch, đây cũng là yếu tố quan trọng để tác động đến phương thức di chuyển và chuyến đi du lịch của mình khi khoảng cách về địa lý không còn là rào cản quá lớn với mức chi phí rẻ, tiện lợi và đảm bảo sức khỏe cho quá trình du lịch, trải nghiệm của họ.
Bên cạnh đó, việc phát triển công nghệ khoa học và chuyển đổi số nhanh ở Trung Quốc, đã tác động ngành du lịch Trung Quốc phát triển nhanh chóng.
Người dùng internet tăng nhanh từ 22,7% trong năm 2008 tăng lên 69,6% vào năm 2019, tạo cơ hội để phát triển các dịch vụ, sản phẩm du lịch, từ khâu tư vấn trước và sau sử dụng dịch vụ kịp thời và hiệu quả.
3.2 Trung Quốc chú trọng phát triển nguồn nhân lực du lịch.
Về nhân lực, ngành du lịch Trung Quốc xem đây là điểm mấu chốt thành công của sự phát triển, việc đào tạo kết hợp giữa lý thuyết và thực hành được các cơ sở đào tạo đặc biệt chú trọng, sự liên kết, kết nối giữa các nhà trường, cơ sở du lịch được diễn ra thường xuyên.
Có thể kể đến các đại học có ngành đào tạo du lịch phát triển như đại học Thiên Tân, đại học Chiết Giang, đại học Trung Sơn… được các đơn vị US News & Word Report, ARWU đánh giá thuộc tốp 100 trường tốt nhất thế giới, tốp 16 Châu Á.
Nguồn nhân lực được đào tạo bài bản, đặc biệt là đào tạo chuyên sâu nguồn nhân lực chăm sóc sức khỏe, dựa trên thế mạnh của Trung Quốc như về Đông y, bấm huyệt, ẩm thực,… đã đóng vai trò chủ chốt trong thiết kế, thực hiện các chương trình đào tạo hiệu quả.
3.3 Đẩy mạnh quảng bá, đa dạng hóa sản phẩm du lịch.
Sức hấp dẫn và sự thành công của ngành du lịch Trung Quốc được góp phần không nhỏ bởi công tác quảng bá du lịch luôn được chú trọng.
Ngoài việc vận dụng ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ thuật số nhằm tăng lượng tương tác, sử dụng hiểu quả về công nghệ, liên kết, tổ chức hội thảo, xúc tiến quảng bá…
Thì ngành du lịch Trung Quốc chú trọng hơn về công tác quảng cáo, hình ảnh, lồng ghép những lời quảng cáo ấn tượng và hàm súc như: “Bất đáo Trường thành phi Hảo Hán”, “Thiên đường hạ giới Cửu Trại Câu” hay “Non nước Quế Lâm đứng đầu thiên hạ”…
Được xây dựng nội dung gắn sự cần thiết của điểm đến có tác dụng tích cực đối với sức khỏe được truyền tụng từ bao năm qua đã có tác động làm du khách càng muốn đến trải nghiệm, khám phá, thôi thúc hàng triệu khách du lịch đến và sử dụng các sản phẩm du lịch ở Trung Quốc.
Bên cạnh đó, Chính phủ Trung Quốc luôn quan tâm và có những chính sách quảng bá du lịch thiết thực để thúc đẩy du lịch phát triển. Ngoài ra, để có thời gian để thực hiện các chuyến đi mục đích vì du lịch, vào các dịp lễ, Tết âm lịch, ngày Quốc tế lao động 1-5, Quốc khánh…
Hằng năm, Trung Quốc đều cho nghỉ trọn một tuần, gọi là “Tuần lễ vàng”, để tạo diều kiện cho nhân dân đi du lịch, mua sắm.
Đây cũng là một trong những thuận lợi cho công tác quảng bá của ngành du lịch Trung Quốc đón đầu thời gian vàng để tích cực truyền tải những thông tin cần thiết nhằm giới thiệu đến du khách nội địa đầy tiềm năng về các gói sản phẩm du lịch.
Trong đó có sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe. Cùng với đó việc vận dụng, kết hợp giữa các yếu tố tài nguyên du lịch liên quan rừng núi và văn hóa ở Trung Quốc trong du lịch chăm sóc sức khỏe đã mang lại nhiều giá trị lớn cho loại hình du lịch này phát triển.
Trung Quốc với nền văn hóa lâu đời, nhiều tín ngưỡng tôn giáo, đặc biệt là phật giáo, có nhiều chùa chiền, di tích lịch sử…
Hiện nay mô hình du lịch chăm sóc sức khỏe phát triển mạnh dựa trên các tài nguyên du lịch liên quan đến rừng núi, thiên nhiên kết hợp với văn hóa truyền thống, văn hóa hiện đại đã tạo nên những sản phẩm du lịch về sức khỏe rất độc đáo.
Tỉnh Vân Nam là một trong những tỉnh phát triển nhất trong loại hình du lịch này, là tỉnh rất giàu tài nguyên thiên, tài nguyên văn hóa, với nhiều loại tôn giáo, chủ yếu là phật giáo tiểu thừa và phật giáo Tây Tạng gắn với nhiều dân tộc như Hán, Bạch, Hà Nhì, Choang, Miêu, Hồi…
Du lịch Vân Nam được xem là đa sắc màu, đa dạng các sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng thiên nhiên, rừng núi mang lại giá trị lớn cho sức khỏe con người.
Đặc biệt, có các sản phẩm du lịch sức khỏe độc đáo như thiền trên vách đá, trải nghiệm lễ sinh nhật Đạo giáo, trải nghiệm ẩm thực chay, các sân chơi bổ sung kiến thức tôn giáo, tham gia các khóa học thuyết pháp, tập thiền và theo tín ngưỡng nơi đây tham gia một trong các hoạt động đó để đạt hiệu quả sức khỏe về “tu thân, dưỡng tính, dưỡng sinh, dưỡng nhan”.
Theo thống kê năm 2019, Vân Nam đã đón hơn 27 triệu lượt khách trong nước và quốc tế, đạt doanh thu hơn 1,17 nghìn tỷ nhân dân tệ. Trong đó thị phần khách sử dụng các dịch vụ, sản phẩm du lịch sinh thái rừng kết hợp văn hóa lịch sử nhằm nâng cao sức khỏe đạt 62,55%.
Để nâng cao sức cạnh tranh, đáp ứng mọi nhu cầu thị trường khách du lịch hiện nay, Trung Quốc đã tạo sự khác biệt về sản phẩm du lịch trên nền tảng tối ưu hóa giá trị tài nguyên thiên nhiên, giá trị văn hóa.
Trên cơ sở lồng ghép các ứng dụng internet, công nghệ – khoa học tiên tiến vào phát triển du lịch nói chung và du lịch chăm sóc sức khỏe nói riêng để cung ứng ra thị trường nhiều sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt, ấn tượng.
Với sản phẩm du lịch nâng cao giá trị sức khỏe cho du khách đã tạo cho du lịch chăm sóc sức khỏe ở Trung Quốc có nét độc đáo riêng so với các nước khác và cũng chính từ đây đã thu hút một lượng khách du lịch quốc tế khá đông đến Trung Quốc hàng năm.
4. Kinh nghiệm phát triển du lịch ở một số nước Đông Bắc Á (Nhật Bản, Hàn Quốc).
Trong những năm gần đây, ngành du lịch chăm sóc sức khỏe đã phát triển nhanh chóng, với tốc độ phát triển vượt bậc ở Châu Á và trên phạm vi toàn cầu, xu hướng phát triển tại các nước Đông Bắc Á là tốt, đặc biệt là Nhật Bản và Hàn Quốc.
Tại hai quốc gia này, loại hình du lịch chăm sóc sức khỏe kết hợp giữa du lịch nghỉ dưỡng, các liệu trình chăm sóc sức khỏe, làm đẹp, thư giãn, cùng dịch vụ y tế khác được thực hiện trong những kỳ nghỉ ngày càng phổ biến.
Với các dịch vụ, sản phẩm chất lượng cao, giá cả phù hợp, các biện pháp hỗ trợ đồng bộ, dựa trên những lợi thế và đặc điểm riêng của hai nước đã đạt được hiệu quả kinh tế, được chú ý rộng rãi trở thành điểm nhấn của Châu Á bởi loại hình du lịch này.
4.1 Tiến bộ trong ngành du lịch chăm sóc sức khỏe ở Nhật Bản và Hàn Quốc.
Theo thống kê của JNTO năm 2019, Nhật Bản đã đón một lượng du khách nước ngoài kỷ lục lên tới gần 32 triệu lượt, tổng thu từ các du khách quốc tế của Nhật Bản lên tới 4.810 tỷ yên (38,98 tỷ USD).
Đây là năm thứ 7 liên tiếp, tổng thu từ các du khách quốc tế của Nhật Bản tăng. Đáng chú ý, so với nhiều quốc gia khác, chi tiêu của du khách nước ngoài ở Nhật Bản khác cao, bình quân 158.458 yên/người trong năm 2019 [4].
Điều đáng quan tâm chính là kể từ khi thị thực du lịch y tế, du lịch chăm sóc sức khỏe được ban hành vào năm 2011, thì lượng khách du lịch được cấp thị thực cho lượng khách du lịch này đến năm 2019 đạt hơn 17 triệu thị thực, với tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm là 62%.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới thành công của “ngành công nghiệp không khói” ở Nhật Bản là nhờ các chương trình quảng bá du lịch, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch chất lượng cao.
Đặc biệt là trong những năm gần đây du lịch chăm sóc sức khỏe càng được chú trọng, cùng với các chính sách nới lỏng quy định về cấp thị thực, sự gia tăng của các chuyến bay nối Nhật Bản với Trung Quốc và một số quốc gia châu Á khác đã góp phần cho du lịch Nhật Bản có được những kết quả nhất định.
Sự phát triển của du lịch chăm sóc sức khỏe ở Hàn Quốc có trước Nhật Bản. Năm 2003, thị trường dịch vụ chăm sóc sức khỏe, y tế được mở ra.
Đến năm 2009, các tổ chức cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch, lữ hành là trung gian, trực tiếp cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, y tế cho du khách quốc tế đã được hợp pháp hóa, đánh dấu sự trỗi dậy hoàn toàn của chuỗi cung ứng các dịch vụ liên quan đến sức khỏe, làm đẹp tại Hàn Quốc.
Năm 2019, số lượng khách quốc tế đến Hàn Quốc đạt 17,5 triệu lượt khách, doanh thu đạt 25,1 nghìn tỷ won (21,6 tỷ USD), theo số liệu Tổ chức Du lịch Hàn Quốc (KTO) [5].
Điểm khá tương đồng trong những kinh nghiệm phát triển du lịch nói chung và các loại hình, sản phẩm du lịch nói riêng giữa Nhật Bản và Hàn Quốc đó là phát triển thương hiệu điểm đến du lịch và quảng bá đặc sản địa phương;
Ứng dụng hiệu quả Internet marketing; nâng cao tính liên kết; phát huy vai trò của cộng đồng, người làm du lịch làm du lịch; lấy nhân tố văn hóa, thiên nhiên làm nền tảng trong phát triển du lịch.
4.2 Lấy nhân tố văn hóa, tự nhiên làm nền tảng trong phát triển du lịch.
Nhật Bản và Hàn Quốc là hai đất nước có nền văn hóa truyền thống đặc sắc, độc đáo. Mỗi sản vật văn hóa đã trở thành biểu tượng văn hóa gắn với biểu tượng của các quốc gia.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, Nhật Bản và Hàn Quốc nổi lên như một hiện tượng đặc biệt về hội nhập của châu Á. Trong đó các sản phẩm gắn với văn hóa làm đẹp ở hai quốc gia này được thể hiện rõ nét.
Sau đó là ẩm thực, thời trang, văn hóa lịch sử… trở nên là một trong những thế mạnh của hai quốc gia này về du lịch. Đặc biệt ở Nhật Bản Từ năm 2000 tới nay, nhờ vào các chính sách phát triển du lịch của chính phủ Nhật Bản, ngành du lịch đã có nhiều khởi sắc.
Theo quan điểm của chính phủ Nhật Bản, để phát triển du lịch sinh thái, du lịch chăm sóc sức khỏe bền vững, điều quan trọng nhất là phải dựa vào tài nguyên văn hóa, tài nguyên thiên nhiên làm nền tảng[5].
Mô hình phát triển du lịch sinh thái bền vững ở Nhật Bản hiện nay được phổ biến rộng rãi và nhiều địa phương như Yufuin, Ibaraki, Tochigi, Gumma, Saitama…
Hơn nữa, chính phủ Nhật Bản còn hết sức chú trọng nâng cao ý thức của cộng đồng doanh nghiệp, người tham gia du lịch trong phát triển du lịch.
Ở các thành phố du lịch Nhật Bản, người dân địa phương, thậm chí cả trẻ em cũng được trực tiếp đào tạo hướng dẫn du lịch. Trong việc đào tạo ý thức và kỹ năng cho họ, Nhật Bản lấy yếu tố văn hóa làm hạt nhân.
Theo quan niệm chung của người Nhật, văn hóa Nhật phụ thuộc vào 3 giá trị và nguyên tắc căn bản là Wa – sự hài hòa, thân thiện; Kao – bộ mặt hay niềm kiêu hãnh; và Omoiyari – sự đồng cảm, thấu cảm và lòng trung thành.
Vì thế, mỗi người làm du lịch luôn cố gắng thể hiện sự hài hòa thân thiện (Wa), sự thấu cảm và lòng trung thành (Omoiyari) với khách du lịch đến điểm du lịch đó.
Làm sao để du khách “đi du lịch mà cảm thấy nhu đang sống ở nhà mình và ngược lại cộng đồng sống ở địa phương cũng cảm thấy mình như đang đi du lịch” (Seiji Yoneda).
Qua việc có rất nhiều khách du lịch tới tham quan, đã nhận ra giá trị, nét đẹp của môi trường sống và lịch sử của điểm đến làm cho giá trị về tinh thần, sức khỏe của du khách như được tăng lên, qua đó góp phần phát triển môi trường du lịch lành mạnh, xã hội tốt đẹp hơn.
4.3 Chú trọng tính liên kết, quảng bá marketing trong du lịch.
Chính phủ hai nước đặc biệt chú trọng đến tính liên kết trong phát triển du lịch. Riêng tại Nhật Bản, ngành du lịch còn được gọi với cái tên khác là “ngành tham quan”.
Sở dĩ có tên gọi này là vì bản thân ngành du lịch Nhật Bản có tương quan mật thiết với tất cả các loại sản nghiệp văn hóa và các ngành nghề khác như: khách sạn, ẩm thực, hàng không, giao thông, bất động sản, nông nghiệp, lâm nghiệp, chế tạo sản phẩm…
Đồng thời, giữa chính phủ và địa phương, giữa các địa phương, vùng miền với nhau, giữa chính quyền địa phương và cộng đồng, giữa hệ thống luật pháp với ý thức và hành động của người dân luôn có tính liên kết chặt chẽ.
Những tổ chức ở Nhật Bản như Ủy ban Môi trường, Hiệp hội Bảo vệ di sản thiên nhiên Nhật Bản, Hội đồng Xúc tiến du lịch sinh thái Nhật Bản, những hiệp hội du lịch sinh thái tại các địa phương…
Đều có sự gắn kết chặt chẽ với cộng đồng dân cư trong việc bảo tồn và phát triển bền vững các nguồn tài nguyên tự nhiên, lịch sử, văn hóa.
Năm 2017, trong số “5 giải pháp xúc tiến du lịch sinh thái”, Hội đồng Xúc tiến du lịch sinh thái Nhật Bản đã đưa ra một giải pháp là “Phát triển 13 dự án thí điểm về du lịch sinh thái chăm sóc sức khỏe tại một số địa phương”.
Bộ Môi trường trực tiếp đầu tư phát triển các mô hình thí điểm trong khoảng thời gian 3 năm. Các mô hình này được chia thành ba nhóm: nhóm các vùng bảo tồn tự nhiên (tại Shiretoko, Shirakami, Ogasawara, Yakushima); nhóm các vùng có nhiều khách du lịch (tại Urabandai, Bắc núi Phú Sĩ, Rokko, Sasebo);
Và nhóm các vùng có tài nguyên nhân đặc sắc đi cùng với những tài nguyên du lịch tự nhiên tái sinh (Tajiri, Hanno – Naguri, Iida region, Kosei, Nanki-Kumano).
Trong đó nhóm các vùng có tài nguyên nhân văn đặc sắc, tài nguyên du lịch sinh thái được chú trọng, ưu tiên phát triển loại hình du lịch chăm sóc sức khỏe.
Nhiều năm trở lại đây, Nhật Bản và Hàn Quốc tích cực ứng dụng Internet marketing để gia tăng tính hiệu quả cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp du lịch.
Trong đó website là công cụ chính được chú trọng, tập trung giới thiệu nhiểu sản phẩm đặc trưng của địa phương do các nghệ nhân chế tạo hoặc doanh nghiệp sản xuất. Đồng thời cũng giới thiệu những phương pháp, liệu trình chăm sóc du khách mới, đặc sắc của mỗi địa phương được chọn.
Với mục đích quảng bá cho người nước ngoài, du khách xa có thể kết nối và tìm kiếm thông tin, trên website có thiết lập phần mềm tự động biên dịch lời bình sang tiếng Anh, tiếng Nhật, tiếng Hàn, tiếng Trung để du khách dễ dàng tương tác, đánh giá phản hồi.
4.4 Hình thành các Trung tâm chăm sóc sức khỏe chất lượng, kinh nghiệm ở Hàn Quốc.
Hiện nay, hầu như tại các điểm du lịch tại Hàn Quốc đều đã hình thành nên chuỗi cung ứng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe đi kèm như: Trung tâm chăm sóc sắc đẹp Spa, hệ thống tắm hơi, massage, kết hợp hạ tầng công nghệ tiên tiến vào hoạt động cung cấp một loạt các sản phẩm kết hợp chăm sóc y tế và chăm sóc sức khoẻ khác.
– Các trung tâm, cơ sở chăm sóc sức khỏe ngoài trợ giúp du lịch nói chung còn cung cấp thông tin toàn diện cho khách du lịch về y tế ở các điểm tham quan về các dịch vụ liên quan đến sức khoẻ.
– Hệ thống tư vấn chăm sóc sức khỏe một chiều từ nơi khởi hành và tất cả mọi qui trình ở giữa, bộ phận trợ giúp chăm sóc sức khỏe ở trung tâm có cung cấp dịch vụ một lần khi du khách cần.
Các dịch vụ liên quan đến chăm sóc sức khỏe trong chuyến đi của du khách đều được lưu lại theo dõi và đối chiếu với khách hàng ở cuối hành trình.
– Thông tin cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ các trung tâm với nhiều dịch vụ khác nhau được cung cấp bởi các đơn vị chăm sóc sức khỏe đạt tiêu chuẩn.
Để thuận lợi cho việc đặt phòng hoặc tham vấn từ nhân viên để nhận được sự trợ giúp của bộ phận trợ giúp nhanh hơn và dễ dàng hơn cho du khách.
– Cung cấp thông tin về các điểm du lịch sức khỏe, chương trình du lịch y tế với các dịch vụ chăm sóc y tế kết hợp với nhà hàng và các gợi ý du lịch là một sự lựa chọn.
Bộ phận Trợ giúp cũng có thể giới thiệu cho du khách về các sản phẩm từ các doanh nghiệp đối tác và các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ.
– Hỗ trợ chăm sóc cho du khách nước ngoài ở các cơ sở này là với các điều phối viên du lịch chăm sóc sức khỏe, y tế chất lượng, chuyên nghiệp.
Thường có hơn 10 ngôn ngữ đang được cung cấp và có rất nhiều điều phối viên luôn sẵn sàng để hỗ trợ du khách nước ngoài trong các đợt sử dụng dịch vụ của họ.
Ngoài ra, các thành viên của Liên minh du lịch chăm sóc sức khỏe của họ luôn cung cấp dịch vụ đón khách nước ngoài tạo tâm lý yên tâm và thoải mái cho du khách đến trải nghiệm.
5. Một số gợi ý cho phát triển du lịch CSSK ở Việt Nam
Từ những kinh nghiệm của các nước nêu trên về phát triển du lịch, có thể rút ra một số gợi ý để thúc đẩy phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam hiện nay:
– Định hướng chính sách phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe. Để phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam, ngành du lịch cần hoạch định các chính sách, kế hoạch, đề án phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe cho từng gian đoạn, từng khu vực, từng vùng.
Đặc biệt đối với những nơi có tiềm năng phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe, tạo cơ chế thúc đẩy sự tham gia đông đảo cộng đồng doanh nghiệp, cá nhân tham gia một cách tích cực, bài bản mang tính bền vững;
Cần tạo nên được sự liên kết bền chặt giữa các ngành, các lĩnh vực, giữa nhà nước với doanh nghiệp, cộng đồng trong phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe.
– Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch, đặc biệt là các cơ sở du lịch có chuỗi hệ thống chăm sóc sức khỏe chất lượng cao.
Một trong những yếu tố mang đến thành công trong phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe ở Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore là họ chú trọng phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, cơ sở vật chất phục vụ cho du lịch.
Việt Nam được đánh giá là nước có tiềm năng phát triển du lịch đa dạng, nhưng một trong những hạn chế hiện nay của chúng ta là hệ thống cơ sở hạ tầng nói chung và hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ cho phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe nói riêng còn hạn chế, chưa đáp được nhu cầu của nhiều đối tượng du khách.
Vậy nên, cần ưu tiên, chú trọng lồng ghép đầu tư hạ tầng phục vụ du lịch với các chương trình, đề án phát triển kinh tế – xã hội chung cả nước là rất cần thiết.
– Chú trọng phát triển nguồn nhân lực cho du lịch, đặc biệt là đối với nhân lực chất lượng cao, chuyên nghiệp phục vụ cho loại hình du lịch chăm sóc sức khỏe, y tế.
Thực trạng nguồn nhân lực du lịch Việt Nam hiện nay, nguồn nhân lực phục vụ cho du lịch còn thiếu, từ bộ phận chuyên môn đến quản lý, nhân lực phục vụ du lịch chăm sóc sức khỏe càng là vấn đề lớn.
Hiện nay, nhân lực có trình độ đại học về chuyên môn du lịch trở lên chỉ chiếm 4%, nhân lực thông thạo ngoại ngữ chỉ chiếm 1/2, đội ngũ hướng dẫn viên thiếu hụt…
Đây là rào cản lớn kìm hãm sự phát triển của du lịch Việt Nam. Trong thời gian tới, ngành du lịch Việt Nam cần chú trọng phát triển nguồn nhân lực du lịch đủ về lượng lẫn về chất. Chú trọng phát triển cơ cấu, số lượng hợp lý cả về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng.
– Đầu tư, chú trọng phát triển, ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ cao, chuyển đổi số trong du lịch.
Đối với loại hình du lịch mới, sự tiếp cận và thông tin còn hạn chế, thì việc vận dụng, giới thiệu, cung cấp các gói sản phẩm, dịch vụ đến các thị trường khách, người có nhu cầu là hết sức cần thiết.
Đặc biệt là trong giai đoạn cạnh tranh thị trường lớn, rủi ro từ thiên tai, dịch bệnh, ảnh hưởng môi trường có xu hướng gia tăng.
Vì vậy việc chú trọng ứng dụng thành tựu khoa học tiên tiến, đầu tư hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin, công nghệ cao, chuyển đổi số góp phần cho ngành du lịch phát triển tiếp cận với các quốc gia phát triển.
Rút ngắn thời gian, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, chăm sóc khách hàng, ví dụ như các phần mềm tiện ích về sức khỏe, công nghệ làm đẹp tiên tiến phát triển ở Nhật Bản, Hàn Quốc…
Công nghệ làm cho cuộc sống trở nên thuận tiện, thoải mái và dễ dàng hơn. Chúng ta có thể nhận được bất cứ thứ gì chỉ bằng một cú nhấp chuột.
Những thay đổi này cũng xảy ra trong lĩnh vực du lịch nói chung và du lịch chăm sóc sức khỏe nói riêng, với các thông tin đầy đủ, truyền tải nhanh, sản phẩm mới theo xu hướng phát triển, khách hàng không phải suy nghĩ nhiều trước khi lựa chọn khi sử dụng các sản phẩm du lịch mang lại.
– Tăng cường công tác quảng bá về du lịch chăm sóc sức khỏe cả ở trong và ngoài nước. Hiện nay, hình ảnh du lịch chăm sóc sức khỏe của Việt Nam được du khách biết đến còn hạn chế.
Do vậy, trong thời gian tới ngành du lịch Việt Nam bằng nhiều hình thức, cách thức cần tăng cường công tác quảng bá hình ảnh các điểm đến và sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe cả ở thị trường trong nước và thị trường quốc tế để thúc đẩy gia tăng lượng khách này trong thời gian tới.
Đặc biệt, các cơ quan đảm nhiệm về công tác xúc tiến du lịch từ trung ương tới địa phương và các doanh nghiệp cần kết hợp chặt chẽ trong việc quảng bá hình ảnh du lịch chăm sóc sức khỏe.
Chú trọng quảng bá du lịch nói chung và du lịch chăm sóc sức khỏe nói riêng thông qua nhiều hoạt động, hình thức khác nhau.
– Đa dạng hóa các sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe gắn liền với lợi thế, tiềm năng phát triển loại hình du lịch này của Việt Nam.
Trong đó đặc biệt chú trọng cả tiềm năng về tự nhiên và những giá trị văn hóa, các kinh nghiệm dân gian, truyền thống trong việc chăm sóc sức khỏe bằng phương pháp đông y và đông tây y kết hợp.
Trong thời gian tới, Việt Nam cần chú trọng đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, đặc biệt là chú trọng xây dựng các sản phẩm du lịch sinh thái kết hợp phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe.
Các sản phẩm du lịch đặc trưng, độc đáo, mang dấu ấn riêng, tạo ấn tượng sâu sắc cho du khách với những giá trị vật chất và tinh thần, sức khỏe trên nền tảng lợi thế thiên nhiên và bản sắc văn hóa vốn có của Việt Nam.
6. Kết luận
Trong thời đại ngày nay, du lịch ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế – xã hội đất nước.
Các nước trong khu vực và lân cận như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore, Malaysia đã sớm chú trọng chính sách phát triển du lịch.
Chú trọng phát triển nguồn nhân lực du lịch, chú trọng phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, đẩy mạnh quảng bá du lịch, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch mới…
Với những cách làm hay, sáng tạo, triệt để khai thác tiềm năng, lợi thế vốn có của mình, đã tạo cho ngành du lịch phát triển mạnh mẽ, đạt được những thành tựu to lớn, đóng góp ngày càng nhiều cho sự phát triển đất nước.
Trong những năm gần đây, mặc dù rất được chú trọng nhưng nhìn chung du lịch Việt Nam chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, còn nhiều hạn chế, bất cập vì thiếu kinh nghiệm trong phát triển.
Đặc biệt là loại hình du lịch chăm sóc sức khỏe còn mới. Do vậy, qua nghiên cứu những kinh nghiệm của các nước trong khu vực và lân cận về phát triển du lịch nói chung và du lịch chăm sóc sức khỏe nói riêng.
Từ đó rút ra những gợi ý cho Việt Nam để vận dụng và phát triển trong thời gian tới chỉ mang tính chất tham khảo, trao đổi thông tin./.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://vi.wikipedia.org/wiki/Trung_Qu%E1%BB%91c;
[2] http://thongke.tourism.vn/;
[3] https://www.cn-healthcare.com/
[4] https://www.japan.travel/vi/vn/newstopics/thong-ke-so-luong-khach-quocte-den-nhat-ban-thang-9-nam-2020/;
[5] https://ictvietnam.vn/du-lich-han-quoc-2019-dat-ky-luc-moi-sau-hai-nam-lien-suy-giam-20200319102055084.htm;
[6] Kinh nghiệm phát triển du lịch bền vững ở Yufuin, Nguồn: https://ussh.vnu.edu.vn/vi/news/tin-hoat-dong/kinh-nghiem-phat-trien-du-lich-ben-vung-o-yufuin-6737.html;
[7] Ladan R, Turgay A, Sam HP. Barriers of Developing Medical Tourism in a destination: a case of South Korea[J]. Iran J Public Health,2017,46(7):930-937;
[8] [11] Byung RS, Sam HP. Policies to promote medical tourism in Korea: a narrative review[J]. Iran J Public Health, 2018,47(8):1077-1083;
[9] 佚名.养生机构海外输出及吸引外国患者的综合计划(2017-2021)[R].韩国:保健福祉部,2016;
[10] 凌嘉裕.关于日本养生旅游的现状和课题[D].广州:广东外语外贸大学,2019;
[11] https://www.nipponquest.com;
[12] www.vietnamtourism.gov.vn của Tổng cục Du lịch Việt Nam
NCS. Trần Doãn Cường
Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch