Mỗi tác phẩm nghệ thuật được đưa vào chương trình dạy học đều mang theo một tầng nghệ thuật nhất định, thể hiện được bối cảnh xã hội và những nét văn hóa tiêu biểu của thời đại. Vậy văn hóa nghệ thuật là gì? Làm sao để xác định văn hóa nghệ thuật trong tác phẩm?

Văn hóa nghệ thuật là gì?

Mặc dù còn nhiều tranh cãi về định nghĩa văn hóa nghệ thuật là gì, nhưng đa số người ta tán thành với khái niệm sau: “Văn hóa nghệ thuật là một trong những bộ phận của văn hóa thẩm mỹ, văn hóa thẩm mỹ thì lại là một bộ phận của văn hóa tinh thần”. Nhưng để nói rõ hơn thì, văn hóa nghệ thuật là sự phát triển năng lực nghệ thuật (thụ cảm, nhận thức, sáng tạo nghệ thuật) của con người, thể hiện thông qua những hoạt động nghệ thuật và kết tinh lại thành những giá trị nghệ thuật. Nói cách khác, văn hóa nghệ thuật cung cấp cho con người những góc nhìn về văn hóa thông qua các tác phẩm nghệ thuật.

Khi biểu diễn một loại hình nghệ thuật, người nghệ sĩ không chỉ bộc lộ những suy tư cá nhân, nó còn chứa đựng những giá trị chân - thiện - mỹ, hướng đến cái đẹp tô điểm cho đời sống tinh thần của con người. Cho đến thời điểm hiện tại, người ta ghi nhận 6 loại hình nghệ thuật truyền thống phổ biến mà con người sử dụng để thể hiện các giá trị văn hóa tinh thần của mình. Đó là Văn Học, Điêu Khắc, Hội Họa, Kiến Trúc, Âm Nhạc và Biểu Diễn. Cho đến những năm đầu của thế kỷ XX, khi máy quay ra đời và sự bùng nổ của ngành công nghiệp diễn xuất, từ đây nghệ thuật chào đón loại hình thứ 7, tức Điện Ảnh. Một trong những nét văn hóa nghệ thuật mà ta có thể quan sát được theo dòng chảy lịch sử, chính là sự xuất hiện của văn học nghệ thuật. Những tác phẩm ra đời không chỉ phác họa được cuộc sống chân thực thời bấy giờ, nó còn mang theo nhiều giá trị khác, giúp con người phát triển khả năng thụ cảm của mình.

 

Nguồn gốc hình thành của văn hóa nghệ thuật

Theo E.B.Taylor trong “Primitive Culture” 1871 định nghĩa: “Văn hóa hay văn minh, theo nghĩa rộng về dân tộc học, nói chung được hình thành từ tri thức, tín ngưỡng, nghệ thuật, đạo đức, luật pháp, tập quán cùng một số năng lực và thói quen khác mà con người có được với tư cách là thành viên của xã hội”. Tổng quan hơn, văn hóa chính là tất cả những sản phẩm mà con người đã tạo ra trong quá trình sinh sống và tương tác với xã hội.

Trong quá trình con người sinh sống và phát triển, họ liên tục tương tác với môi trường xung quanh, cũng như hình thành mối quan hệ mật thiết với các cá nhân khác. Chính sự tương tác này đã tạo nên các sản phẩm gắn liền với đời sống xã hội của họ, và đó gọi là văn hóa. Mỗi nền văn hóa được hình thành dựa trên nhiều thành tố, nhưng tựu chung mỗi nền văn hóa đều có một cốt lõi riêng. Và con người, với tư cách là một thành viên của xã hội văn minh, vô thức kiến tạo nên nhiều giá trị văn hóa thông qua cuộc sống của họ, xoay quanh cốt lõi ấy.

Chức năng của văn hóa nghệ thuật

Vậy chức năng của văn hóa nghệ thuật là gì? Là một bộ phận không thể tách rời của văn hóa tinh thần, chức năng của văn hóa nghệ thuật chủ yếu vẫn xoay quanh việc kiến tạo nên đời sống tinh thần lành mạnh cho con người. Không những thế, những chức năng này còn đóng một vai trò quan trọng trong việc thắt chặt các liên kết xã hội giữa con người với nhau.

1. Chức năng giao tiếp

Tùy thuộc vào đối tượng họ tương tác, các sản phẩm văn hóa được chia làm hai nhóm, văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần. Và văn hóa nghệ thuật thực chất được hình thành khi con người bắt đầu chú trọng đến đời sống tinh thần của mình. Vì gắn liền với văn hóa tinh thần, một tác phẩm chứa đựng văn hóa nghệ thuật sẽ là tiếng nói thể hiện quan điểm cái đẹp của nền văn hóa đó. Đứng trước rào cản ngôn ngữ, con người đến từ các nền văn hóa khác nhau vẫn có thể thấu hiểu lẫn nhau nhờ vào những giá trị trực quan mà văn hóa nghệ thuật mang lại.

2. Chức năng giáo dục

Các giá trị chân - thiện - mỹ chứa đựng bên trong văn hóa nghệ thuật sẽ bồi đắp cho tinh thần của con người, hướng họ đến cái thiện, tạo dựng những mối quan hệ lành mạnh với xã hội. Theo quan điểm của nhiều nhà xã hội học, xã hội con người luôn vận động không ngừng, và đến những thời điểm nhất định, chúng sẽ biến đổi để đáp ứng được nhu cầu của con người hiện đại. Sự biến đổi này bắt đầu khi quan điểm của con người thay đổi, những tư tưởng về xã hội cũ được thay thế với những niềm tin hợp lý với thời đại hơn. Có thể nói, những giá trị đẹp đẽ mà văn hóa nghệ thuật hướng đến chính là những bài học đạo đức giúp con người hoàn thiện nhân cách của chính mình.

Từ xa xưa, khi con người bắt đầu phản ánh đời sống vật chất của mình vào những câu chuyện cổ tích, truyện ngụ ngôn mang lại cho người nghe những hình dung về cuộc sống, những bài học đạo đức làm giàu cho thế giới nội tâm, có thể nói tác phẩm ấy chứa đựng văn hóa nghệ thuật. Khái niệm đạo đức, văn minh cứ thế được hình thành.

3. Chức năng lưu trữ

Khi nhìn vào một tác phẩm nghệ thuật, người xem có thể khai thác được rất nhiều thông tin, không chỉ cung cấp một cái nhìn tổng thể về bối cảnh xã hội, các tác phẩm nghệ thuật còn thể hiện những nét chính về văn hóa, tư tưởng, niềm tin, quan điểm của con người thời bấy giờ. Rất nhiều tác phẩm ra đời trong những bối cảnh loạn lạc, khi xã hội đương thời đang diễn ra những thay đổi đáng kể. Đây là chức năng quan trọng nhất của văn hóa nghệ thuật, bởi sự xuất hiện của chúng đã bảo tồn dòng chảy của lịch sử, gắn kết nhiều thế hệ con người lại với nhau.

Các tiêu chí đánh giá văn hóa nghệ thuật

Văn hóa nghệ thuật là sản phẩm của văn hóa tinh thần, nhưng không phải tác phẩm văn hóa tinh thần nào cũng được xem là văn hóa nghệ thuật. Một tác phẩm nghệ thuật mang yếu tố văn hóa nghệ thuật cần có 3 yếu tố:

1. Giá trị văn hóa

Để xác định tác phẩm nghệ thuật có chứa đựng yếu tố văn hóa nghệ thuật hay không, đầu tiên phải xem xét giá trị văn hóa của nó. Một tác phẩm nghệ thuật sẽ thể hiện giá trị văn hóa thông qua việc bộc lộ được màu sắc riêng của nền văn hóa ấy, hoặc khi tác phẩm sử dụng chất liệu đời sống, khắc họa nên bối cảnh văn hóa cụ thể về thời đại.

Để có cái nhìn rõ hơn về văn hóa nghệ thuật là gì, chúng ta có thể tham khảo câu chuyện Kiêu Hãnh và Định Kiến. Thông qua câu chuyện này, người đọc có thể hình dung được cuộc sống của những người miền quê nước Anh cuối thế kỷ XVIII. Ở đó, phục sức họ mặc, cách họ cư xử và những chi tiết về đời sống thường nhật đều khái quát lên những điểm chung của nền văn hóa Anh thanh lịch.

2. Giá trị nghệ thuật

Đây là một tiêu chí khá đơn giản để nhận biết. Nếu tác phẩm ấy được xây dựng dựa trên một hoặc nhiều loại hình nghệ thuật thì đã được xem là tác phẩm có giá trị nghệ thuật. Ngoài ra, giá trị nghệ thuật còn thể hiện thông qua kỹ thuật mà người nghệ sĩ đã dùng để tạo nên tác phẩm. Nếu đó là hội họa, có thể là trường phái nghệ thuật, cách pha và sử dụng màu sắc. Hoặc nếu là một tác phẩm văn học, đó có thể là lối hành văn, sử dụng phương thức biểu đạt như so sánh, ẩn dụ…. Ngoài ra, nghệ sĩ còn có thể dùng nhiều kỹ thuật chuyển động, động tác múa hoặc biểu cảm gương mặt để nhấn mạnh sắc thái nghệ thuật trong màn trình diễn của mình.

3. Giá trị về tinh thần

Và cuối cùng, tác phẩm ấy cung cấp điều gì cho người xem, gọi chung là yếu tố chân - thiện - mỹ. Khi đọc một tác phẩm, người đọc có thể đúc kết được giá trị gì phục vụ cho đời sống tinh thần của mình. Đó có thể là những bài học về đạo đức, lịch sử hay những tư tưởng giúp con người thay đổi quan điểm của mình, bài trừ cái xấu, xây dựng một đời sống tinh thần phong phú và lành mạnh.

Nguồn: https://www.twinkl.com.vn/teaching-wiki/van-hoa-nghe-thuat 

Trang chủ khác