Các anh/chị/bạn cựu sinh viên KKT-NLU kính/thân mến!
Là một trong những người sáng lập Khoa Kinh Tế từ năm 1978, cô Trần Thị Út đã cống hiến hết tuổi lao động cho đến khi về hưu năm 2004.
Sau khi về hưu, cô vẫn tiếp tục công tác với vị trí lãnh đạo tại ĐH Bình Dương, ĐH Hồng Bàng và ĐH Hoa Sen. Cho đến giờ ở tuổi 70, cô Trần Thị Út vẫn tham gia công tác giảng dạy ở ĐH Hoa Sen. Hơn nữa, cô hiện vẫn còn đi các tỉnh làm nghiên cứu như đi chợ. Đúng là nhà giáo không tuổi
Ngày 10/11/2018, cô Trần Thị Út cũng sẽ về dự Lễ kỷ niệm 40 năm thành lập Khoa Kinh Tế, trường ĐH Nông Lâm Tp.HCM cùng với các thế hệ cựu sinh viên và sinh viên.
Còn các anh chị và các bạn thế nào? Có muốn về gặp lại cô, cùng các thầy cô khác và các bạn hữu?
BTC rất mong đón tiếp các anh/chị và các bạn!
Trần Minh Trí (Cựu sinh viên KKT Khóa 22)
P/s: Thầy/cô/anh/chị/bạn nào có hình ảnh hay đôi dòng ký ức về thầy, vui lòng comment cung cấp nhé. BBT Kỷ yếu sẽ xem xét bổ sung nếu có ý nghĩa. Xin cảm ơn!
ĐÔI NÉT VỀ CÔ TRẦN THỊ ÚT
(Trích trong bản thảo Kỷ yếu Lễ kỷ niệm 40 năm thành lập Khoa)
Cô Trần Thị Út, giống như thầy Nguyễn Anh Ngọc, là người gắn bó lâu nhất với Khoa Kinh Tế, trường Đại học Nông Lâm Tp.HCM kể từ ngày được thành lập năm 1978.
Trong suốt 30 năm công tác tại Khoa Kinh Tế, cô là người truyền lửa và trang bị kiến thức nhiều thế hệ sinh viên, cho đến khóa 30. Bên cạnh đó, cô cũng là người mang nhiều sinh viên đến những nơi xa xôi hẻo lánh nhằm tích lũy kinh nghiệm thực tiễn qua các dự án, chương trình nghiên cứu phát triển cộng đồng nông thôn.
Sau khi nghỉ hưu năm 2004, cô vẫn còn yêu nghề, thực hiện công tác giảng dạy và nghiên cứu Khoa học. Trong gần 15 năm hưu, cô đảm nhiệm chức Giáo đốc Trung tâm nghiên cứu và chuyển giao công nghệ ĐH Bình Dương, Trưởng phòng Đào tạo sau đại học trường ĐH Hồng Bàng, Giám đốc chương trình MBA ở ĐH Hoa SEN. Và hiện nay, ở tuổi 70 cô vẫn còn công tác ở trường ĐH Hoa Sen, tiếp tục sứ mệnh giảng dạy và nghiên cứu khoa học.
Nhân dịp Lễ kỷ niệm 40 thành lập Khoa, cô đã để lại những dòng hồi ức ở bên để gợi nhớ quá trình công tác và để tưởng nhớ cây đại thụ của Khoa Kinh Tế, đó là thầy Trương Hoài Châu.
BÀI HỒI ỨC CỦA CÔ VỀ KHOA KINH TẾ
“……Để nhớ những ngày đầu bước chân về khoa Kinh tế và
Để tưởng niệm Thầy quá cố Trương Hoài Châu…”
Bốn mươi năm vụt qua … như một giấc mơ đẹp. Tôi nhớ như in những ngày tháng 10, năm 1978, chúng tôi 5 người vừa tốt nghiệp khóa KA trường Đại học Kinh Tế T.p HCM đến ĐH Nông nghiệp 4 nhận nhiệm sở. Năm người chúng tôi mỗi người một chuyên môn riêng thuộc ngành kinh tế: chị Nguyễn Thị Phương Mai (Kế hoạch), anh Nguyễn Anh Ngọc và anh Dương Bạch Trang (Kế toán), anh Nguyễn Vĩnh Hùng (Kinh tế Nông Nghiệp) và tôi Trần Thị Út, chuyên ngành Thống kê Nông Nghiệp. Cùng với Thầy Trương Hoài Châu chúng tôi thành lập Khoa Kinh Tế Nông Nghiệp.
Giao đoạn đầu, khó khăn cũng nhiều nhưng chúng tôi làm việc hăng say, thẳng thắn. Một kỷ niệm không làm tôi quên được khi 5 người chúng tôi trình diện Thầy Hiệu Phó: Trần Hữu Khối. Thầy nói “Đố quý vị cây chuối trồng tốt sẽ cho ra bao nhiều quay chuối?”. Chúng tôi thật sự là những người con thành thị, không rành nhà nông, và Thầy kết luận “Quý vị là ..Nông Dân Đồng Khởi”. Cả bọn còn ngơ ngác thì Thầy nói luôn…“Nông dân đường Đồng Khởi tức đường Tự do ở Sài gòn được đổi tên Đồng Khởi” chứ không phải Đồng khởi là ở ..Bến Tre đâu nhé, vì dù tốt mấy đi nữa thì mỗi cây chuối chỉ cho 1 quày chuối mà thôi…”
Còn nhiều kỷ niệm nữa mà tôi không bao giờ quên. Có lần tôi thật “liều” khi đang trong buổi họp Khoa. Vì không thống nhất ý kiến với thầy Trưởng khoa, tôi đã tuyên bố thẳng tại phòng họp “Nếu họp khoa chỉ để năng lời với tập thể giảng viên qua những đàm tiếu vu vơ….và việc này cứ nói kéo dài, tôi sẽ bỏ ra ngoài”, và tôi đã đi ra khỏi phòng họp thật. Đúng là chỉ có tuổi trẻ mới “cả gan” làm như vậy, nghĩ lại tôi thật có lỗi và biết ơn vài bạn sinh viên cũng là đồng nghiệp của tôi đã khuyên tôi trở lại phòng họp…
Còn nhiều nữa những kỷ niệm đong đầy… Năm 2001, thầy trò chúng tôi đang chu du khảo sát vùng nông thôn Bạc Liêu đã làm đêm không ngủ tại vùng nông thôn Bạc Liêu để hát những bài nhạc ca ngợi quê hương, bên cạnh cái đau của cuộc chiến của Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn khi hay tin ông qua đời. Và còn nữa, không thể quên được lần phải nếm trải “ăn quán ngủ đình” thật sự. Trong một đợt thực tập chuyên ngành Phát triển nông thôn, tôi cùng với Thầy Trần Minh Trí và 20 sinh viên khảo sát Nông nghiệp, nông thôn tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, và khi đêm tối về, thầy trò đã phải trải chiếu ngũ ở Đình làng trong khi bên ngoài tiếng dế gáy, tiếng ếch ọp, tiếng ễnh ương kêu ở …. khu nghĩa địa sát kề bên.
Ngày nay, sau 40 năm hình thành và phát triển, lực lượng giảng viên và sinh viên Khoa Kinh tế Nông lâm thật hùng hậu, sinh viên Kinh tế ĐH NL trưởng thành đã trở thành những đồng nghiệp, những nhà lãnh đạo trong nhiều lĩnh vực kinh tế, xã hội, giáo dục. Đó là niềm hạnh phúc.
Những ngày đầu bộn bề vừa mới thông nhất đất nước đã qua, thật hãnh diện thay khi là một trong những người đặt viên gạch đầu tiên xây dựng Khoa Kinh Tế, trường ĐH Nông Lâm Tp.HCM
Trần Thị Út
Nguồn: kỷ yếu 40 năm khoa Kinh Tế
Nguồn: Facebook Trần Minh Trí