TÂY NGUYÊN

Xã Ka Đơn, huyện Đơn Dương, Lâm Đồng

Ka Đơn có tổng diện tích đất tự nhiên 3.713 ha, trong đó diện tích đất sản xuất là 3.250 ha. Với 1502 hộ, 7497 khẩu đa phần là người dân tộc bản địa nhưKờ Ho, Chil và Chu Ru sinh sống, Ka Đơn là xã nghèo nhất trong 9 xã của huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng. Nhưng đây cũng là vùng có khí hậu phù hợp nhất cho sản xuất rau chất lượng cao và chăn nuôi bò thịt. Tuy nhiên đời sống người dân không bền vững, nhất là nhóm người dân tộc thiểu số do thiếu nguồn lực sản xuất (đất đai và vốn) hoặc sản phẩm không đạt chất lượng theo yêu cầu thị trường tiêu thụ. Thiếu đất canh tác, thiếu vốn đầu tư và sự lạc hậu về kỹ thuật nông nghiệp khiến cho đời sống của người dân nơi đây gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, Nhà nước đã có nhiều chính sách nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của xã nói riêng, tuy nhiên, những thành tựu giảm nghèo và tiến bộ xã hội ở đây vẫn còn là một thách thức cho việc đạt được những mục tiêu phát triển thiên niên kỷ bởi những hạn chế về phương pháp tiếp cận cũng như thiếu các mô hình bền vững. Nhằm phát huy thế mạnh của vùng, tấn công vào các khó khăn và hạn chế về mặt bằng phát triển hiện nay của xã, CISD chọn Ka Đơn như là mô hình của các phương pháp tiếp cận mới cả về kỹ thuật và khả năng tự tạo sinh kế bền vững - nông nghiệp bền vững.

Là vùng đại diện cho các đặc trưng về tự nhiên – kinh tế - xã hội cũng như trình độ phát triển, những chương trình được thực hiện ở Ka Đơn có khả năng rút kinh nghiệm và nhân rộng mô hình cho quy mô toàn tỉnh Lâm Đồng hoặc các vùng có điều kiện phù hợp cho toàn vùng Tây Nguyên.

Ka Đơn có hồ Đa Nhim (Da Nĩm) có nghĩa là nước mắt. Nước mắt xưa của những tủi hờn vì sống trong nghèo khổ và lạc hậu, nước mắt nay sẽ là những hạt ngọc bởi mùa hạnh phúc được đơm bông từ những cố gắng và chung tay của toàn xã hội.

ĐÔNG NAM BỘ

Xã Phước Sang, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương

Phước Sang xã vùng sâu, vùng xa nằm ở phía Đông Bắc tỉnh, cách thị xã Thủ Dầu Một 45 km, tiếp giáp với tỉnh Bình Phước. Xã có khí hậu ôn hòa, điều kiện thiên nhiên ưu đãi, ít xảy ra thiên tai bão lụt, rất thích hợp cho việc phát triển các loại cây công nghiệp dài ngày nói riêng và nông nghiệp nói chung. Cơ cấu kinh tế của xã được xác định là Nông nghiệp - Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp - Thương mại dịch vụ, trong đó nông nghiệp được coi là ngành kinh tế mũi nhọn.

Hiện tại, đời sống Kinh tế - Xã hội – Văn hóa của bà con Phước Sang vẫn gặp nhiều khó khăn do thiếu các nguồn lực về vốn tài chính, vốn tự nhiên, vốn xã hội và vốn con người; giao thông.

Trong nhiều năm qua, cùng với chính sách giảm nghèo của Nhà nước, sự nỗ lực của địa phương theo phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, sự năng động của thị trường, bộ mặt của Phước Sang đã có những chuyển biến tích cực.

Chương trình nông nghiệp công nghệ cao

 Nằm trong Đề án phát triển nông nghiệp công nghệ cao tỉnh Bình Dương giai đọan 2007-2010, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chấp thuận địa điểm quy hoạch nông nghiệp công nghệ cao tại xã Phước Sang với diện tích 500 ha.

Chương trình mở ra cơ hội cho các hộ nông dân, trang trại thực hiện các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, hứa hẹn mang lại năng suất và giá trị cao so với sản xuất nông nghiệp truyền thống. Tuy vậy, để nông nghiệp trở thành thế mạnh cũng như đem lại nguồn sinh kế bền vững cho người dân Phước Sang, nâng cao năng lực cả về kỹ thuật và khả năng tạo sinh kế.

            Với thế mạnh về nghiên cứu – tư vấn – đào tạo – chuyển giao công nghệ và sản xuất thử nghiệm, CISD tin tưởng vào khả năng ứng dụng các phương pháp tiếp cận mới trong những chương trình phát triển tại đây.

            Nằm trong khu vực kinh tế năng động vùng Đông Nam Bộ, những chương trình/ dự án được tiến hành ở Phước Sang sẽ là cơ hội kết nối năm nhà Nhà nước – Nhà khoa học – Doanh nghiệp – Cộng đồng – NGOs cho mục tiêu phát triển bền vững và tiến bộ xã hội.

Xã Đồng Tâm, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước

Thông tin chung

Xã Đồng Tâm là xã nghèo nhất của tỉnh Bình Phước với 6812 nhân khẩu/ 1.474 hộ, trong đó có 2.155 khẩu/ 437 hộ dân tộc thiểu số chủ yếu là dân tộc Stiêng, chiếm tỉ lệ 30%.

Nông nghiệp

Là xã thuần nông, nhưng diện tích đất canh tác tại đây ít, đa phần lại là đất xám bạc màu. Trong tổng 8.948,17 ha đất tự nhiên toàn xã chỉ có hơn 2.408 ha là diện tích gieo trồng, gần 90% trong số này có nguồn gốc từ đất lâm nghiệp nằm trong sự quản lý của Lâm trường Đồng Xoài (nay là Ban thanh lý doanh nghiệp Đồng Xoài và Ban quản lý rừng Đồng Xoài) mà chưa được chuyển giao về cho xã. Bên cạnh đó, thời tiết khô hạn kéo dài do những biến đổi về khí hậu khiến những vụ mùa ở đây trở nên bấp bên

Đa số các hộ dân ở đây chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nên không thể vay thế chấp để đầu tư vào sản xuất. Việc tiếp cận vốn tài chính gặp hạn chế cũng là một cản trở của Đồng Tâm cho đầu tư công nghệ, chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp. Năm 2006, theo điều tra của ban kinh tế xã, năng suất điều bình quân trên địa bàn xã chỉ đạt 0,6 tấn/ha.

Xóa đói giảm nghèo

            Hiện tại, Đồng Tâm không còn hộ đói, nhưng toàn xã còn 294 hộ nghèo theo tiêu chí mới, chiếm 18,8% số hộ dân trong xã, mức thu nhập bình quân đầu người năm 2006 là 3,6 triệu đồng/ năm.

            Thụ hưởng Chương trình (CT) 135 giai đoạn II của Chính phủ, điều kiện cơ sở vật chất và kỹ thuật của Đồng Tâm trong những năm gần đây đã được cải thiện đáng kể nhưng đời sống của bà con vẫn gặp nhiều khó khăn và thiếu bền vững.

            Vấn đề bảo vệ tài nguyên rừng

            Đồng Tâm có rừng sưu tập thuộc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh quản lý (ấp 1) với sự đa dạng về chủng loại của khu rừng này. Đây là nơi trồng, lưu giữ những giống cây rừng quý hiếm ở Bình Phước nói riêng và khu vực Đông Nambộ nói chung. Tuy nhiên, bảo vệ rừng và các sinh kế thay thế đang đặt ra những thách thức cho sự phát triển tại đây. Cải thiện và tăng cường sinh kế bền vững từ rừng là những phương hướng của CISD ở Đồng Tâm.

            Hướng đi nào cho Đồng Tâm

            Định hướng của chính quyền xã Đồng Tâm là bàn giao đất lâm trường cho địa phương quản lý theo diện tích thực tế; mở rộng, đa dạng hóa các hình thức, loại hình kinh tế; kích thích dịch vụ công – nông nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn cùng với sự góp sức của những các tổ chức phát triển trong nước và quốc tế, chắc chắn sẽ tạo ra động lực để Đồng Tâm có những chuyển biến mạnh mẽ và tích cực cho sự phát triển nhanh và bền vững của địa phương.